|
Tiêm chích ma túy công khai ở khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.1, TP.HCM) |
Vào thời điểm đó, tất cả 322 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tổng lực ra quân để đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện.
Và chỉ sau 7 ngày đầu tiên ra quân, TP đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hơn 1.200 người nghiện lang thang, trong đó đã đưa được hơn 800 người đi cai, số còn lại bàn giao về nơi cư trú ổn định của người nghiện để địa phương quản lý. TP thể hiện quyết tâm rất cao khi lập ban chỉ đạo với sự tham gia của 1 phó chủ tịch UBND TP; lãnh đạo Công an TP; chủ tịch 24 quận, huyện và lãnh đạo các sở ngành...
Một người nghiện tiêm chích ma túy ngay tại nhà chờ xe trước cổng Trường tiểu học Lý Thái Tổ (P.11, Q.8) vào chiều 23.2
|
Vào giai đoạn tổng lực ra quân, nhiều địa điểm từng nhức nhối vấn nạn thường xuyên xuất hiện người nghiện tiêm chích ma túy, đã cơ bản được chuyển hóa. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, sau một thời gian vắng bóng các đợt tập trung truy quét của cơ quan chức năng, người nghiện lại “tái xuất” ở những nơi công cộng, là nỗi ám ảnh đối với người dân. Thực trạng người nghiện “tái xuất” từng được Thanh Niên nhiều lần phản ánh. Lãnh đạo UBND TP khẳng định TP xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo quận, huyện để người nghiện tái xuất; xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý địa bàn của lãnh đạo, các đơn vị chức năng phường, xã, thị trấn. Thế nhưng, nạn tiêm chích ma túy ở TP hiện vẫn tràn lan.
Tiêm chích ma túy ngay trước trường học
Thanh Niên nhiều lần phản ánh tình trạng người nghiện thản nhiên tiêm chích ma túy ở dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn trước Trường tiểu học Trần Khánh Dư (Q.1), nhưng theo ghi nhận của PV trong những tháng đầu năm 2019, tình trạng này đâu lại vào đấy.
Hai thanh niên thản nhiên tiêm chích ma túy trước cổng Trường tiểu học Lý Thái Tổ (P.11, Q.8) vào trưa 20.2
|
Khoảng 14 giờ ngày 21.2, một người đàn ông mặc quần jeans, áo thun, đội mũ lưỡi trai, cầm chai nước suối lững thững đi bộ trên đường Hoàng Sa (Q.1), rồi tấp vào một ghế đá gần bờ kênh. Người này ngồi trên ghế rồi rút “đồ nghề” là chiếc kim tiêm từ trong túi quần ra để “phê” trước nỗi sợ hãi của những người đang đi dạo qua đây. 10 phút sau, cũng tại ghế đá này, một thanh niên khác, mặc áo thun đen, quần lửng cũng đến ngồi dưới bãi cỏ tiếp tục tiêm chích. Chiều cùng ngày (21.2), PV tiếp tục bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên thản nhiên ngồi tiêm chích ma túy trên ghế đá dọc kênh.
Tương tự, tại khu vực cầu Chà Và (nối Q.5 và Q.8), Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh tình trạng tiêm chích, và phía chính quyền địa phương cũng hứa sẽ tăng cường quản lý địa bàn, kiên quyết không để tái diễn, nhưng dường như chỉ là... hứa suông!
Thực tế, từ nhiều ngày giữa tháng 2, có mặt tại khu vực cầu Chà Và, PV liên tục bắt gặp người nghiện đến tiêm chích ma túy mà tập trung nhiều nhất nằm ở phía P.11 (Q.8). “Bãi đáp” mới của những người nghiện chọn là khu vực nhà chờ xe trước cổng Trường tiểu học Lý Thái Tổ trên đường Bến Bình Đông (P.11, Q.8). Có nhiều thanh niên đến đây tiêm chích ma túy trước mặt rất đông học sinh tiểu học. Điều đáng nói là có nhiều em nhỏ cũng hiếu kỳ đứng lại xem.
Tại góc đường phía dưới chân cầu Chà Và ở phía đối diện (P.10, Q.5), từ 19 - 23.2, PV cũng bắt gặp nhiều người nghiện chạy xe máy, ô tô đến đây tiêm chích ma túy công khai.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Chủ tịch UBND P.11 (Q.8), cho biết lãnh đạo phường luôn cử lực lượng tuần tra, xử lý các trường hợp tiêm chích ma túy trên địa bàn, chứ không chỉ riêng khu vực cầu Chà Và. Nhưng ông Minh cũng thừa nhận, tình trạng người nghiện đến khu vực cầu Chà Và tiêm chích ma túy vẫn còn tái diễn, gây bất an cho người dân.
“Tôi sẽ làm việc lại với Ban chỉ huy công an phường, phải báo cáo lý do để tình trạng người nghiện tiêm chích trước cổng trường, gây bất an cho người dân, phụ huynh như vậy”, ông Minh nói và cho biết trong năm 2018, phường đã phát hiện, xử lý 22 người nghiện tiêm chích ma túy (trong đó có 21 nam, 1 nữ). Đầu năm 2019, qua tuần tra phường phát hiện 3 trường hợp nghi vấn, kiểm tra nhanh xác định 2 trường hợp dương tính với ma túy nên lập hồ sơ đưa đi cai nghiện.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP.HCM), số người nghiện trên địa bàn TP có hồ sơ quản lý trong năm 2018 lên đến 23.508 người. Một vấn đề hết sức lo ngại, hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm do sử dụng ma túy "đá" ngày càng trẻ và gia tăng, là nguyên nhân của các loại tội phạm...
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, vừa qua Công an TP có thống kê nhóm để ước lượng có bao nhiêu người nghiện ma túy không bị phát hiện, không được quản lý. Với người có nơi cư trú ổn định, thì cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện, quản lý khoảng 38%, còn 62% là không phát hiện là đã nghiện ma túy.
“Đây là số người nghiện, còn nếu là người sử dụng ma túy trái phép (tức là chưa xác định tình trạng nghiện ma túy), thì con số chưa phát hiện lên đến 82%. Như vậy ở TP.HCM tối thiểu không phải là trên 20.000 người nghiện như các cơ quan đang quản lý ở cộng đồng, mà có thể ở ngoài cộng đồng có tới 60.000 - 95.000 người nghiện ma túy mà không biết, không quản lý được. Nguy cơ phát sinh tội phạm từ người nghiện ma túy này đang rất lớn”, tướng Minh nói.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đã giao cho Công an TP chuẩn bị chuyên đề về phòng chống và khắc phục tệ nạn ma túy, báo cáo Thường vụ Thành ủy. Từ đó, TP báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ để xin cơ chế và hướng làm đối với công tác xử lý, quản lý người nghiện. Theo ông Nhân, cách quản lý người nghiện như hiện nay tại TP là không có kết quả triệt để.
Đã đưa hơn 18.000 lượt người nghiện đi cai
Ngày 3.4, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết tính từ cuối năm 2014 đến nay, TP đã đưa hơn 18.000 lượt người nghiện đi cai nghiện ở các cơ sở xã hội.
“Tuy nhiên, người nghiện vẫn còn nhiều ở ngoài cộng đồng. Cái này phải nhận diện. UBND TP đã giao trách nhiệm cho các địa phương, kiểm soát những nơi người nghiện tiêm chích ma túy. Đây là một chủ trương lớn của TP nên các quận, huyện, xã, phường không thể lơi lỏng trong quản lý được. Trong tuần tới, khi họp giao ban với các quận, huyện, chúng tôi sẽ cảnh báo về vấn đề này”, ông Du nói.
Về vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật cần phải tháo gỡ, ông Du cho biết Nghị định 94 thi hành luật Phòng, chống ma túy có quy định quản lý sau cai nghiện; nhưng Nghị định 221 thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính thì không quy định quản lý sau cai, nên chưa đồng bộ trong thực hiện. Quy định về độ tuổi người nghiện về việc đưa đi cai trong 2 luật này cũng có sự “chỏi” nhau.
|
Theo Thanh Niên