Công ty bình phong của Vũ "nhôm" xin mua đất công để bán

Thứ ba, 11/06/2019, 14:58
Phan Văn Anh Vũ khai việc bán lô đất công sản đã báo cáo cho lãnh đạo Tổng cục V. Tuy nhiên khi đối chất, bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách đều phủ nhận.

Sáng 11/6, tòa phúc thẩm dành nhiều thời gian để thẩm vấn Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, cựu Phó trưởng phòng thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) để làm rõ việc thâu tóm hàng loạt đất công sản ở Đà Nẵng và TP.HCM.

Trước lời khai mâu thuẫn của các bị cáo, chủ tọa đã cho Vũ và một số cựu cán bộ Tổng cục Tình báo đối chất về việc báo cáo triển khai dự án.

Đề xuất một đằng, làm một nẻo

Phan Văn Anh Vũ khai lô đất 129 Pastuer được UBND TP.HCM bán cho công ty bình phong do bị cáo điều hành để sử dụng vào mục đích nghiệp vụ với giá 294 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi ký hợp đồng nguyên tắc, Công ty Nova 79 của Vũ đã ký hợp đồng hứa mua, hứa bán bất động sản này cho Công ty Peak View.

"Hội đồng thẩm định giá của UBND TP.HCM mới đồng ý chứng thư thẩm định giá, chưa làm thủ tục chuyển nhượng. Vì sao Công ty Nova 79 lại bán tài sản này cho đơn vị khác".

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, Phan Văn Anh Vũ nói sự việc xảy ra đã lâu, bị cáo không nhớ rõ dù trước đó khai rành rọt về ngày ký kết văn bản liên quan.

Chủ tọa sau đó tiếp tục truy vấn Vũ về việc công ty bình phong có được chuyển nhượng đất khi chưa được cơ quan chức năng cấp "sổ đỏ"?

“Nếu HĐXX nói vậy rất khó trả lời. Nova 79 chưa có giấy thì không được bán nhưng bị cáo chỉ làm hợp đồng hứa mua, hứa bán”, cựu thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ giải thích.

Công bố tài liệu thu thập, chủ tọa cho biết ngày 26/1/2016, công ty của Vũ và Peak View ký hợp đồng hứa mua, hứa bán lại lô đất với giá 300 tỷ. Hai hôm sau, phía mua đã chuyển đủ số tiền dù bên bán chưa có tài sản trong tay.

Thẩm phán điều hành phiên tòa nhận định 2 doanh nghiệp liên quan hứa mua bán trên hợp đồng nhưng thực tế đã thực hiện giao dịch.

Vũ không giải thích về việc này và cho biết sẽ đề cập sâu hơn trong phần tranh luận.

Tiếp đó, nói đến việc nhận chuyển nhượng bất động sản, Vũ khai công ty bình phong đã được cấp trên đồng ý cho mua đất phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng các bị cáo đề xuất một đằng nhưng sử dụng đất một nẻo. Mục đích nêu trên giấy tờ là phục vụ hoạt động tình báo nhưng thực chất là mua để bán cho tư nhân.

"Bị cáo không có ý định mua xong rồi bán. Lúc đầu, bị cáo nghĩ giá lô đất khoảng 175 tỷ, nhưng sau thành phố định giá lên gần 300 tỷ", Vũ nói do thiếu tiền nên phải bán lô đất cho Peak View và việc này đã báo cáo Tổng cục V.

Được gọi lên đối chất, bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo) và Nguyễn Hữu Bách (cựu Cục trưởng B61 - Tổng cục Tình báo) đều phủ nhận và khai không đề xuất lãnh đạo Bộ cho Vũ mua đất để bán.

HĐXX cho biết nội dung sẽ được làm rõ trong phần tranh luận.

Ông Bùi Văn Thành, cựu Thứ trưởng Bộ Công an.

Vũ "nhôm" thừa nhận nhiều sai phạm

Trình bày những lý do kêu oan, Vũ khẳng định công ty luôn hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên trong phiên xử hôm qua, khi HĐXX cấp phúc thẩm truy vấn và chỉ ra hàng loạt sai phạm, cựu thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ đã thừa nhận những cái sai đó.

Theo hồ sơ đăng ký thành lập công ty chỉ có chữ ký của 2 thành viên. Tuy nhiên, sau này Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ lại gồm 3 cổ đông. Vũ thừa nhận việc này là sai.

Ngoài ra, Vũ cũng thừa nhận khi thành lập Công ty Bắc Nam là trái Luật Doanh nghiệp vì thời điểm đó bị cáo Phan Hữu Tuấn và lãnh đạo Phòng tình báo Công an Đà Nẵng đều nằm trong diện không được thành lập doanh nghiệp.

Ngắt lời để phân tích cho Phan Văn Anh Vũ nhận thức được pháp luật, chủ tọa khẳng định bị cáo “có ít nhất 3 cái sai”. Ngoài 2 vấn đề nêu trên, Vũ còn không kê khai trung thực với Sở Kế hoạch - Đầu tư khi ông Phan Hữu Tuấn và lãnh đạo Phòng tình báo Công an Đà Nẵng không góp vốn nhưng lại nắm giữ tỷ lệ % cổ phần nhất định.

Theo thẩm phán, việc Phan Văn Anh Vũ dùng bí danh để tự chuyển nhượng cổ phần công ty cho chính mình (từ Phan Văn Anh Vũ sang Lê Văn Sáu) cũng là hành vi vi phạm pháp luật khiến giao dịch trở nên vô hiệu.

Theo Zing

Các tin cũ hơn