Xét xử Nguyễn Hữu Linh: Có đủ điều kiện thành án lệ?

Thứ ba, 25/06/2019, 09:16
Vụ Nguyễn Hữu Linh được xem là hội đủ các điều kiện cần thiết để tạo ra một án lệ, nhất là trong bối cảnh chưa có hướng dẫn chính thức về tội danh này.

Hôm nay, 25/6, TAND quận 4 (TP.HCM) sẽ xét xử kín ông Nguyễn Hữu Linh (cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng), bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù. Đây là vụ án có thể xem là hội đủ các điều kiện cần thiết để tạo ra một “án lệ Nguyễn Hữu Linh”, nhất là trong bối cảnh chưa có hướng dẫn chính thức về tội danh này.

Đủ điều kiện thành án lệ

Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (Nghị quyết 03/2015) quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ. Theo đó, một trong những yêu cầu để bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án được xem là án lệ là khi bản án, quyết định đó “chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau…”.

Thực tiễn cho thấy trong quá trình giải quyết nội dung tin báo, tố giác về tội phạm đối với vụ án Nguyễn Hữu Linh đã có nhiều cách hiểu khác nhau thế nào là hành vi dâm ô. Ngay cả nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/1998 giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc xác định hành vi dâm ô cũng được đưa ra soi rọi, mổ xẻ.

Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh gí bé gái, dâm ô trong thang máy. (Ảnh cắt từ clip)

Theo đó, một số ý kiến cho rằng chưa có căn cứ vững chắc để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Linh. Bởi theo quy định của điều luật, hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được xác định là hành vi của người phạm tội như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em. Tuy nhiên, hình ảnh do camera ghi lại thì lại không xác định được ông Linh có hành vi sờ, bóp vào bộ phận kích thích tình dục của bé gái. Mặt khác, điều luật cũng không quy định rõ những bộ phận kích thích tình dục trên cơ thể của trẻ em là những bộ phận nào.

Ở góc nhìn khác, có ý kiến lại cho rằng khi mô tả hành vi khách quan của tội phạm, quy định của điều luật được cấu tạo theo hướng mở (thể hiện bằng dấu…). Vì thế, không nhất thiết người phạm tội phải có những hành vi sờ, bóp như điều luật đã mô tả, mà bất kỳ hành vi nào tác động lên cơ thể thuộc bộ phận kích thích tình dục của trẻ em đều phải được xem là nằm trong chuỗi hành vi khách quan của tội phạm.

Hình ảnh từ camera cho thấy ông Linh đã ép hôn và dùng tay sờ soạng lên cơ thể của bé gái. Góc quay cũng thể hiện rõ hành vi của ông Linh là có tính chất thô bạo vào các vị trí trên cơ thể bé gái (hai bên má và phần bụng). Đây đều là những bộ phận, những vùng cơ thể có khả năng gây kích thích tình dục nên hành vi của ông Linh có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, cùng một quy định pháp luật nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2015, khi xét xử, tòa án cần phải đưa ra lập luận để làm rõ nội dung của quy phạm pháp luật còn có cách hiểu khác nhau này.

Tòa cần đưa ra quan điểm pháp lý

Về nguyên tắc, để hình thành nên một án lệ, việc đầu tiên là bản án phải đưa ra được quan điểm pháp lý. Nghĩa là những lập luận và lý lẽ của bản án không chỉ có nội dung khẳng định một hành vi nào đó là đúng hay sai, có tội hay không có tội, mà còn phải khái quát hóa được đường lối xét xử từ vụ án cụ thể ấy thành một nguyên tắc chung, mang tính tiền lệ.

Muốn vậy, quan điểm pháp lý hàm chứa trong nó phải là lời giải thích về tính hợp lý trong đường lối xét xử đối với vụ án. Tức là nó cho phép người ta hiểu được vì sao bản án lại kết luận vụ việc theo chiều hướng này mà không phải là chiều hướng khác.

Như vậy, khi xét xử vụ án này, ngoài những nhận định thông thường như hành vi của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, quy phạm pháp luật nào sẽ được áp dụng để xem xét hành vi phạm tội thì bản án còn phải chứa đựng lập luận mang tính giải thích về cách hiểu đối với nội dung của quy phạm pháp luật được áp dụng. Nói cách khác, bản án phải làm rõ nội dung của điều luật này phải được hiểu như thế nào, vì sao tinh thần của điều luật phải được hiểu theo ý nghĩa này mà không phải là ý nghĩa khác.

Một khi các lập luận về việc giải thích pháp luật như trên được TAND Tối cao công nhận thì bản án sẽ trở thành án lệ và có giá trị áp dụng chung cho những vụ việc tương tự. Thông qua việc xét xử vụ án này, tòa án các cấp có thể tạo ra một án lệ về giải thích pháp luật đối với hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Tòa xử kín nhưng bên ngoài vẫn “nóng”

Chiều 24/6, thẩm phán Nguyễn Hải Nam, Phó chánh án TAND quận 4 (chủ tọa), xác nhận sáng nay phiên tòa sẽ diễn ra như dự kiến. vụ án được tòa xét xử kín nhưng sẽ tuyên án công khai. Việc phối hợp chuẩn bị công tác an ninh, giữ trật tự cho phiên tòa đã và đang được thực hiện.

Một ngày trước phiên tòa, nhiều nhóm bạn trẻ hẹn nhau trên facebook cùng mặc áo có in 111 và khẩu hiệu “Trừng trị ấu dâm. Bảo vệ trẻ em” đến TAND quận 4 vào sáng nay. 111 là số tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đặc biệt giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột, mua bán... dễ nhớ để quay số gọi khẩn cấp.

Tháng 9/2019 sẽ có hướng dẫn?

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa họp để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của BLHS 2015, trong đó có bảy điều quy định về các tội xâm phạm tình dục, gồm cả dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146). Theo dự thảo này thì hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (như qua lớp quần áo…) đối với người dưới 16 tuổi đều là dâm ô. Dự kiến nghị quyết sẽ được ban hành vào tháng 9/2019.

Theo PLO

Các tin cũ hơn