Chiều 18/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 bị can là bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng và 2 thanh tra viên là Đặng Hải Anh và Nguyễn Thùy Linh để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Trước đó, cơ quan chức năng bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh nhận 68 triệu đồng của kế toán UBND xã Tân Tiến và 91,5 triệu đồng của công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang. Bên cạnh đó, qua kiểm tra trong tủ tại nơi làm việc của bà Kim Anh là 335 triệu đồng. Ông Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của Phó giám đốc Công ty Đức Trung.
Khu đất đấu giá quyền sử dụng đất Đầm Thùng (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là một trong những dự án được thanh tra xong nhưng chưa có kết luận. |
Nhìn nhận về góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Hà Nội) cho rằng, Thanh tra Xây dựng là cơ quan có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng; thanh tra chuyên ngành, phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm của các đơn vị, tổ chức, cơ quan liên quan đến lĩnh vực xây dựng...
Bởi vậy, việc lực lượng này lại đòi hỏi lợi ích, gợi ý việc tặng tiền, quà để bỏ qua sai phạm, che giấu sai phạm là việc không thể chấp nhận.
Cán bộ thanh tra nhận hối lộ trong quá trình thanh tra sẽ khiến người dân rất thất vọng, nghi ngờ vào tính trung thực trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng này.
"Để xem xét trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, cần phải xác định rõ: đưa tiền để làm gì, để nhận được cái gì, có vòi tiền không... Những vấn đề này để chứng minh bà Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đặng Hải Anh có phải là nhận hối lộ hay không?
Nếu trong quá trình điều tra chứng minh được bà Kim Anh có hành động vòi tiền, ra dấu hiệu để nhận bồi dưỡng như lời khai của kế toán UBND xã Tân Tiến rằng “đoàn thanh tra phát hiện lỗi vi phạm Luật Xây dựng. Bà Kim Anh nói cần phải có quà, tiền để đoàn còn có định hướng” thì phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật", luật sư Tiền phân tích.
Luật sư cho rằng, đối với số tiền 335 triệu đồng phát hiện trong tủ của bà Kim Anh, cơ quan điều tra phải xác minh nguồn gốc của nó. Nếu xác định đây là tiền nhận hối lộ thì xử lý theo quy định của pháp luật.
"Với hành vi nhận 68 triệu đồng của kế toán UBND xã Tân Tiến và 91,5 triệu đồng của công chức tài chính kế toán UBND thị trấn Thổ Tang, theo Điểm c Khoản 2 Điều 354 BLHS 2015, thì bà Kinh Anh nhận mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam.
Ông Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của Phó giám đốc Công ty Đức Trung, có thể bị xử lý theo Điểm a Khoản 1 Điều 354 BLHS 2015 với mức hình phạt 2 đến 7 năm tù", luật sư Tiền nhận định và cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của những thành viên cùng đoàn và những người liên quan xem có vi phạm pháp luật hay không để xử lý theo quy định.
Xem xét hành vi của người đưa hối lộ
Theo luật sư, cần phải xét đến cả hành vi của những người đưa tiền cho cán bộ Đoàn thanh tra trên. Theo Điều 364 BLHS 2015, đưa hối lộ cũng được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng cũng cần xác minh rõ những người này có bị ép buộc hay không hoặc có khai báo trước khi bị phát giác hay không?
Bởi căn cứ căn cứ khoản 7 Điều 364 BLHS 2015, “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của dùng để đưa hối lộ”.
Theo thông tin từ vị kế toán UBND xã Tân Tiến cung cấp cho báo chí, việc vị này đưa 68 triệu đồng cho bà Kim Anh là đưa hối lộ giúp doanh nghiệp để giảm khối lượng công trình và không hề báo cáo công an về sự việc đưa hối lộ.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 364 BLHS 2015, vị kế toán này có thể phải nhận mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.
"Đối với vụ án trên, cơ quan có thẩm quyền cần phải xử lý rõ ràng, nghiêm minh vụ việc này để lấy lại niềm tin của người dân, giảm bớt phẫn nộ của dư luận xã hội, mặc dù chỉ là sai phạm của cá nhân nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của một ngành đang đóng vai trò thanh tra", luật sư Tiền nhấn mạnh.
Vào tháng 4/2019, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành quyết định thành lập Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch; công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý đầu tư tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn thanh tra gồm 5 người thuộc các đơn vị của Thanh tra Bộ Xây dựng là bà Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng) là Trưởng đoàn; Lưu Vân Oanh (SN 1976, Phó trưởng phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) - Phó Trưởng đoàn. Các cán bộ gồm: Đặng Hải Anh (SN 1981), chuyên viên phòng Thanh tra xây dựng; Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1977), cán bộ phòng Thanh tra xây dựng; Nguyễn Thùy Linh (SN 1994), cán bộ phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra. Từ đầu tháng 6/2019, trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc tại huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được nhiều đơn tố cáo của một số doanh nghiệp, UBND xã, cá nhân đối với Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vì có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thanh tra, ép các doanh nghiệp, UBND các xã ở huyện Vĩnh Tường phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình thanh tra. Chiều 12/6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh và Đặng Hải Anh nhận hối lộ tại phòng làm việc ở UBND huyện Vĩnh Tường. |
Theo VTC