Từ nước ngoài giật dây chỉ đạo
Trong những tháng đầu năm 2019, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM.
Qua các vụ án này, có thể thấy, những đường dây mua bán trái phép chất ma túy đều do các đối tượng là người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu. Trong đó, có một số kẻ là người Trung Quốc và người Thái Lan, điển hình như các vụ bắt 300kg ma túy đá tại cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh và vụ bắt 500kg ketamine tại TP.HCM.
Đối tượng người Đài Loan – Trung Quốc Jhu Minh Jyun bị bắt giữ trong chuyên án bắt 500kg ketamine tại TP.HCM hồi tháng 5/2019. |
Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy cho biết: “Trong các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy nói trên, lực lượng chức năng Việt Nam thường chỉ bắt được đối tượng vận chuyển, môi giới trong nước.
Điều này xuất phát từ việc các đối tượng cầm đầu, chủ mưu đều từ nước ngoài cũng như tìm cách đưa những đối tượng ở nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện những vụ mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy.
Hơn thế nữa, việc chỉ đạo của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu chủ yếu mang tính chất đơn tuyến. Chúng phân công cụ thể, chi tiết công việc để đảm bảo rằng, một đối tượng chỉ biết một việc duy nhất.
Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc chuyển hóa chứng cứ giúp bắt đối tượng chủ mưu. Không những không bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, trong nhiều vụ án, lực lượng chức năng còn không thể xác định được đối tượng chủ mưu, cầm đầu là ai”.
Cũng theo Thượng tá Quang, trong một số vụ án ma túy, việc bắt giữ những người khác cũng không hề đơn giản do tài liệu chỉ có một lời khai hoặc chỉ có tài liệu của trinh sát nên không thể chuyển hóa được thành chứng cứ, không thể bắt giữ đối tượng dù biết rõ chúng có sai phạm.
Cụ thể, các kẻ chủ mưu, cầm đầu chỉ chỉ đạo những người vận chuyển, buôn bán ma túy bằng điện thoại chứ không gặp nhau. Chỉ có các trinh sát mới xác định được kẻ nào chỉ đạo, cầm đầu nên rất khó có được chứng cứ cụ thể.
Nghi phạm Briacher (giữa) bị khống chế trong vụ Biên phòng Hà Tĩnh bắt gần 300kg ma túy đá hồi tháng 2/2019. (Ảnh: Biên phòng Hà Tĩnh) |
Hợp tác quốc tế - chìa khóa giải quyết vấn đề
Trên thực tế, lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp với cảnh sát các nước như cảnh sát Philippines và cảnh sát Trung Quốc để điều tra và bóc gỡ những đường dây mua bán trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy vẫn gặp một số trở ngại do pháp luật của mỗi nước có những khác biệt nhất định. Điều này dẫn đến hệ quả là sự phối hợp giữa một số nước còn chưa được nhịp nhàng và chưa có được sự thống nhất cao.
Để có thể đưa những đối tượng cầm đầu, chủ mưu các đường dây buôn bán ma túy lớn ra ánh sáng, lực lượng chức năng Việt Nam nhận định, giải pháp quan trọng nhất chính là phải đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế. Trong đó nhấn mạnh việc phải có giải pháp chung cho các chuyên án giữa cảnh sát các nước với nhau, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin chung.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. |
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, 2019 là năm đầu tiên Việt Nam trực tiếp tham gia phối hợp với các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trung tướng Các khẳng định, đây là một vấn nạn “không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được”.
Cũng theo Trung tướng Phạm Văn Các, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Thứ trưởng Lê Quý Vương cho phép Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trực tiếp quan hệ liên ngành với các cơ quan điều tra tội phạm về ma túy trên thế giới để phối hợp, xác lập chuyên án chung, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng điều tra của Cục kịp thời bắt giữ, xử lý tội phạm ở các nước trên thế giới cũng như vật chứng mà các đối tượng vận chuyển thoát khỏi Việt Nam.
Trung tướng Phạm Văn Các nêu một trường hợp cụ thể là vụ bắt giữ 506kg ketamine mà Việt Nam bắt giữ 300kg và chuyển thông tin cho Philippines bắt giữ số còn lại. Sau chuyên án, người đứng đầu cơ quan phòng chống ma túy Philippines đã gửi thư cảm ơn lực lượng chức năng Việt Nam.
Sắp tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ đón đối tác từ cơ quan điều tra Trung Quốc sang trực tiếp đấu tranh chuyên án cùng với phía Việt Nam. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình phá án bởi theo Trung tướng Phạm Văn Các: “Đấu tranh với tội phạm ma túy mà chỉ cần chậm 5 phút là đã không thể giải quyết được”.
“Trước đây đã có trường hợp lực lượng chức năng Việt Nam cung cấp thông tin về tội phạm ma túy cho Thái Lan và Philippines, tuy nhiên, việc cung cấp thông tin qua kênh hợp tác quốc tế thường mất nhiều thời gian xác minh nên khi lực lượng chức năng nước bạn đến địa điểm mà tội phạm cất giấu ma túy thì chúng đã rời khỏi đó”, Trung tướng Các giải thích.
Theo VOV