Phải triệt tận gốc "tín dụng đen"

Thứ sáu, 02/08/2019, 09:06
Không chỉ ở TP.HCM, tình trạng giang hồ côn đồ đòi nợ khủng bố người dân cũng diễn ra ở rất nhiều địa phương khiến dư luận hoang mang, bức xúc.

Những kẻ “khủng bố” ném chất bẩn, xịt sơn lên tường nhà bà H.

Con vay nợ, cả nhà bị dọa giết

Chưa đầy 1 tháng, gia đình bà Nguyễn Thị H. (ngụ P.Hưng Bình, TP.Vinh, Nghệ An) đã 3 lần bị “khủng bố” để ép trả nợ. Bà H. cho biết, con trai bà cầm cố chiếc xe bán tải để vay 150 triệu đồng. Do con chưa trả được nợ, trưa 27.5, khi bà đang nấu ăn thì một người lạ ném mắm tôm vung vãi khắp sân, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Bà H. phải đến công an phường trình báo. Chiều 4.6, một người khoác áo chống nắng, bịt khẩu trang đi xe máy đến trước nhà bà H. dùng sơn xịt lên cổng và tường rào. Ngày 22.6, một người đến ném mắm tôm vào nhà. Những kẻ “khủng bố” còn liên tục nhắn tin, gọi điện thoại đến người nhà của bà H. đe dọa, yêu cầu phải trả tiền thay khiến gia đình bà rất lo lắng.

Tháng 11.2018, bà Lê Thị Hiền (ngụ TT.Thọ Xuân, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) phải liên tục trình báo công an địa phương về việc gia đình nhiều lần bị “khủng bố” bằng “bom bẩn” nhằm buộc phải trả nợ. Trước đó, cuối năm 2017, con trai bà Hiền (lập gia đình và sống tại Hà Nội) vay tiền của ông T. (ngụ H.Thọ Xuân) nhưng gia đình bà không hay biết. Thế nhưng từ tháng 8 - 12.2018, ông T. dẫn theo nhiều người nhiều lần đến nhà bà đe dọa, yêu cầu trả nợ cho con. Thời gian này, gia đình bà hơn 10 lần bị ném sơn pha lẫn mắm tôm, dầu nhờn vào nhà.

Tương tự bà Hiền, cuối tháng 6.2019, ông Đặng Ích Tiến (ngụ P.Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), là thương binh hạng 2/4, làm đơn tố cáo đến Công an TP.Thanh Hóa về việc một nhóm côn đồ kéo đến nhà ông đe dọa, đánh người. Theo đơn, con trai ông có vay tiền của ông B. (cùng ngụ P.Ngọc Trạo) nhưng chưa trả. Khoảng 11 giờ ngày 25.6, ông B. kéo theo nhiều người dùng gạch đá ném vào nhà ông Tiến. Một người con khác của ông Tiến ra ngăn cản thì bị đánh phải nhập viện điều trị. Nhóm ông B. còn đe dọa đánh chết cả 3 con trai của ông Tiến nếu không trả tiền đã vay. Vụ việc đang được Công an P.Ngọc Trạo và Công an TP.Thanh Hóa điều tra.

Phải xử lý hình sự

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện kế hoạch 285/KH-BCNĐA2 (Đề án 2) về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” do Bộ Công an tổ chức mới đây, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết đã phát hiện những diễn biến mới trong hoạt động “tín dụng đen” như cho vay ngang hàng - là sản phẩm công nghệ tài chính kết nối trực tiếp người vay với người cho vay không thông qua trung gian tài chính hiện nay chưa được pháp luật điều chỉnh; hoạt động đòi nợ thuê có nhiều biến tướng...
Do đó, Bộ Công an đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương cần kết hợp mọi biện pháp để làm tan rã các băng nhóm “tín dụng đen”. Công an các đơn vị phải tiếp tục đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” và tham mưu với địa phương đấu tranh với tội phạm này; đồng thời điều tra các vụ án liên quan “tín dụng đen”, phối hợp với viện kiểm sát, tòa án để đưa ra xét xử, răn đe, phòng ngừa chung.
Trả lời PV , trung tá Nguyễn Hữu Cường, Phó trưởng Công an TP.Vinh, cho biết vụ gia đình bà H. bị “khủng bố” nói trên vẫn đang được điều tra. Ông Cường cũng cho biết Công an TP.Vinh đang tập trung xử lý các hình thức đe dọa này. “Khi điều tra, chúng tôi phải xem xét đến các yếu tố khác như thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự... hoặc có yếu tố cưỡng đoạt tài sản để xử lý hình sự. Vì nếu chỉ xử lý hành chính thì tính răn đe rất thấp”, ông Cường nói.
Trung tá Lê Như Anh, Trưởng công an H.Thọ Xuân, cho rằng để ngăn chặn được các vụ ném chất bẩn vào nhà, hoặc những vụ côn đồ đến nhà gây sức ép, đe dọa người thân để đòi nợ, phải ngăn chặn từ gốc.
“Thường những vụ việc này đều xuất phát từ vay mượn tiền của nhau, nhưng đáng chú ý là nguồn tiền vay mượn này đều sử dụng vào những mục đích phi pháp, như: đánh bạc, chơi lô đề, cá độ... dẫn đến thua lỗ, “lãi mẹ đẻ lãi con”, không có khả năng trả nợ. Lúc đó, chủ nợ thường dùng biện pháp đe dọa, gây sức ép lên người thân để đòi tiền. Khó khăn cho lực lượng chức năng là thường chủ nợ, hoặc những người liên quan trực tiếp lại không tham gia vào việc ném chất bẩn, mà đứng sau thuê các nhóm xã hội đen đi thực hiện việc đe dọa, ném chất bẩn. Nên việc ngăn chặn từ ban đầu, đặc biệt hoạt động tín dụng đen là biện pháp tốt nhất”, trung tá Anh nói.

Mang con đi gửi vì bị “khủng bố” bằng chất bẩn

Trao đổi với PV ngày 1.8, anh Đ.C.V (giáo viên ngụ ở P.Bưởi, Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết chỉ trong chưa đầy 1 tháng, gia đình anh đã bị ném chất bẩn vào nhà 3 lần. “Những lần bị ném chất bẩn tôi có đến trình báo tại Công an P.Bưởi nhưng đến nay vẫn chưa truy ra”, anh V. nói.
Theo anh V., sự việc xảy ra nêu trên có thể do vợ anh vay nợ và đã bỏ nhà đi từ tháng 5, sau đó nhiều người lạ xuất hiện, cho biết vợ anh nợ họ khoảng 200 triệu đồng. Anh đã làm đơn ly hôn với vợ và thông báo cho các chủ nợ nhưng sự việc không dừng lại. Trong 1 tháng qua, anh và các con (bé gái 6 tuổi, bé trai 13 tuổi) liên tục sống trong căng thẳng mệt mỏi, có lúc anh phải mang con đi gửi.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn