Liên quan vụ nam sinh trường Gateway bị bỏ quên trên xe đưa đón rồi tử vong, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã khởi tố tài xế Doãn Quý Phiến và bà Nguyễn Bích Quy (nữ monitor đưa đón) cùng về tội Vô ý làm chết người.
Trong khi ông Phiến được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú thì bà Quy bị bắt tạm giam 3 tháng để điều tra. Cùng bị khởi tố về một tội danh, vậy 2 bị can có phải đồng phạm và vì sao hình thức ngăn chặn với mỗi bị can lại khác nhau?
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định tài xế và người đưa đón học sinh bị khởi tố cùng một tội danh nhưng áp dụng 2 biện pháp ngăn chặn khác nhau có thể do tính chất lời khai của các bị can.
Bà Quy có nhiều lời khai mâu thuẫn, đặc biệt trong giai đoạn cơ quan điều tra đang làm rõ vụ án. "Có thể những nội dung bà Quy công khai trong giai đoạn này làm cản trở hoạt động điều tra, chống đối hoặc gây ảnh hưởng vụ án nên cơ quan tố tụng buộc phải tạm giam", luật sư phân tích.
Bị can Nguyễn Bích Quy. |
Trong trường hợp này, việc tạm giam đối với người phụ nữ đưa đón học sinh trường Gateway phù hợp quy định của pháp luật do "bị can có dấu hiệu chống đối, cản trở các hoạt động điều tra", theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Luật sư Hướng cũng cho rằng với diễn biến vụ án, việc tạm giam bà Quy còn nhằm đảm bảo quá trình điều tra được nghiêm túc. Ông Phiến và bà Quy phạm hai hành vi khách quan khác nhau. Trong đó, bà Quy chịu trách nhiệm chính khi không kiểm tra kỹ học sinh trên xe.
Còn ông Phiến phạm lỗi vô ý khi lái xe nhưng không quan sát hết, hàng hóa vận chuyển trên ôtô. Căn cứ tính chất, mức độ phạm tội của bị can, việc ông Phiến tại ngoại căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Chiều 4/9, ông Đinh Minh Tảo, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy, cho biết ông Doãn Quý Phiến đã cung cấp lời khai phù hợp với quá trình điều tra, khai báo thành khẩn nên có thể cho tại ngoại.
Còn với bà Quy, nữ bị can có những lời khai chưa logic nên cần bắt tạm giam. "Việc bắt tạm giam đối với bà Quy là cần thiết nhằm đảm bảo sự thật khách quan và tính toàn diện của vụ án", ông Tảo nói với PV.
Về việc khởi tố 2 bị can trong vụ án về cùng tội danh Vô ý làm chết người, theo Điều 128 Bộ luật Hình sự, nhiều ý kiến thắc mắc ông Phiến và bà Quy có phải đồng phạm?
Theo thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật Hình sự - Đại học Luật TP.HCM, đồng phạm được hiểu là có từ 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Trong vụ án này, 2 bị can đều bị khởi tố do lỗi vô ý nên họ không đồng phạm với nhau. Nhưng hành vi của ông Phiến và bà Quy kết hợp với nhau gây ra hậu quả làm chết người.
"Tuy họ không câu kết với nhau nhưng hoàn toàn có thể khởi tố 2 bị can này cùng tội danh", thạc sĩ Trần Thanh Thảo nhấn mạnh và nói rằng trường hợp này được Bộ luật Hình sự quy định là lỗi hỗn hợp. Nghĩa là 2 hành vi kết hợp với nhau diễn ra liên tiếp gây ra cùng một hậu quả.
"Đây có thể coi là quan hệ nhân quả tác động trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân", ông Thảo phân tích.
Ông Phiến cầm lái ôtô 16 chỗ tại buổi thực nghiệm chiều 30/8. |
Sáng 6/8, ông Phiến lái ôtô 16 chỗ chở bà Quy đi đón cháu Lê Hoàng Long tại tòa nhà Trung Yên Plaza. Bé trai này ngồi ở hàng ghế sát dãy cuối.
Khi đến trường, bà Quy đưa 2 cháu quấy khóc vào trường. Các học sinh còn lại tự xuống xe. Xe buýt sau đó được tài xế đưa về bãi đỗ xe Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chiều cùng ngày, ông Phiến đánh ôtô trở lại trường để đưa học sinh về nhà. Khi đến cổng trường thì bà Quy phát hiện bé Long nằm trên sàn xe. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong ngoại viện.
Công an Hà Nội kết luận bé trai chết ngạt do suy hô hấp, tuần hoàn sốc nhiệt trong không gian giới hạn. Thời gian tử vong từ 9-12h tính từ thời điểm khám nghiệm tử thi lúc 0h30 ngày 7/8. Kết quả giám định cũng loại trừ nguyên nhân bé trai tử vong do tác động ngoại lực.
Liên quan vụ án, dư luận cũng đặt nhiều thắc mắc về các tình tiết, trong đó có việc cháu Long đã thay áo khi được tìm thấy trong xe. Công an đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ, trong đó có biện pháp giám định gene trên chiếc áo của nạn nhân.
Theo Zing