Bộ Công an quyết liệt đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

Thứ sáu, 15/11/2019, 16:56
Bộ Công an quyết liệt đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, với nguyên do nếu không sẽ gây phức tạp cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ thuê đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) hôm nay (15/11).

Một trong những nội dung được bàn thảo sôi nổi ở nhiều tổ đại biểu là chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê từ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm đầu tư, kinh doanh.

Tại tờ trình thì Chính phủ không nêu lý do tại sao lại cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng phát biểu tại tổ, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Trên thực tế, nhu cầu đòi nợ thuê là có, Bộ trưởng xác nhận và cho rằng dịch vụ này có phân chia ra hai loại: tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ. Còn về mặt tiêu cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là rất phức tạp, nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, sử dụng xã hội đen để đòi nợ.

Từ thực tế này, Bộ Công an đã rất quyết liệt đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội, ông Dũng thông tin.

Tại các tổ thảo luận thì quan điểm của đại biểu cũng rất khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều vị đại biểu khác cho rằng thay vì cầm thì nên hoàn thiện khung pháp lý để đưa dịch vụ này vào khuôn khổ pháp luật.

Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế phân tích, không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Ở phân tích khác, không ít đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải cấm, như đề xuất của Chính phủ.

Nhấn mạnh hệ lụy của đòi nợ thuê là rất lớn, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phân tích: nếu là nợ, đòi cá nhân không được thì pháp luật cho phép kiện ra tòa án dân sự rồi sau đó thi hành án dân sự. Còn hiện nay đòi nợ thuê biến tướng nên pháp luật không được tuân thủ.

Cũng theo đại biểu này, số con nợ hiện nay ở vùng nông thôn bỏ gia đình đi trốn nợ gây ra rất nhiều hệ quả cho xã hội do cách thức, phương thức, hoạt động đòi nợ thuê chủ yếu là “đầu gấu đầu mèo” đến gây áp lực.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng đồng tình không nên cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi, lợi dụng chính sách này rất nhiều tổ chức mọc ra sẽ rất phức tạp.
“Bộ luật Dân sự đã có quy định rồi, không thể tự dưng phát sinh ra mấy ông đi làm cái chuyện đó, mà không khéo là khủng bố luôn những người nợ”, ông Hùng lo ngại.
Nhu cầu đòi nợ là rất nhiều, nếu không quản tốt dịch vụ đòi nợ xã hội đen sẽ ngày càng nở rộ hơn. Rất nhiều vụ án lớn thời gian qua xuất phát từ đây, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng đồng tình với quan điểm phải cấm.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích