Toàn cảnh vụ gây rối tại Đồng Tâm

Thứ sáu, 10/01/2020, 20:04
Hầu hết kẻ chống đối, tấn công công an đã bị bắt. Cơ quan chức năng xác định, các đối tượng này thường xuyên gây rối trong 2 năm lại đây.

Theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường. Ảnh TTXVN.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

Toàn cảnh diễn biến vụ việc

Từ cuối năm 2016, tình hình nội bộ nhân dân tại xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp, liên quan chủ yếu đến việc số công dân khiếu kiện, tổ chức các hoạt động "đòi đất" quốc phòng.

Trong các ngày 1 và 7/3/2017, số công dân khiếu kiện tại địa bàn đã tổ chức tập trung đông người tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm khi các đoàn công tác của huyện đến thực hiện nhiệm vụ; có nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.

Đối tượng gây rối bị bắt. Ảnh TTXVN

Ngày 30/3/2017, Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245; Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 và vụ án “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ngày 15/4/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ 4 công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra. Một số công dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi cản trở và tổ chức giữ người trái pháp luật đối với cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Nội đang thi hành công vụ.

Ngày 22/4/2017, tại hội trường Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân; cam kết Thành phố đã ra quyết định Thanh tra 1121 ngày 20/4/2017 thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.
Bản đồ quản lý đất sân bay Miếu Môn được công bố chiều 27/8. Ảnh TTXVN
Ngày 24/7/2017, Thanh tra thành phố Hà Nội đã ra thông báo Kết luận “Thanh tra toàn diện về việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.”

Kết luận thanh tra đã làm rõ nguồn gốc, toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng đất đai cũng như các khiếu nại, tố cáo của người dân. Theo đó, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Không đồng tình, ông Lê Đình Kình (đại diện cho một số người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm) gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố.

Chiều 25/4/2019, Thanh tra Chính phủ công bố Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346 ngày 19/7/2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội về thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ: Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miêu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng.
Đối tượng gây rối. Ảnh TTXVN

Diện tích đất có sự chênh lệch tại các thời điểm nhưng đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, điều chỉnh bằng quyết định giao đất đúng quy định, đúng thẩm quyền.

Từ thời điểm Quyết định số 5383/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban được ban hành vào ngày 20/10/2014 trở về trước không có sự tranh chấp về diện tích đất tại sân bay Miếu Môn. Mọi sự vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm, cản trở đơn vị quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tháng 8 và tháng 11/2019, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội lần lượt có các cuộc họp để thông tin, đối thoại với nhiều người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn.

Đến cuối năm 2019, lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay này.

Quy định của pháp luật liên quan đến tội chống người thi hành công vụ

- Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

- Đặc biệt, theo khoản 1d, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn