Từ năm 2017 đến nay, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa trong 4 vụ án khác nhau với tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn), và bồi thường tổng cộng 830 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng được xác định chỉ có căn nhà chung cư đồng sở hữu với vợ.
Chưa thu hồi hơn 64.000 tỉ đồng
Một thẩm phán TAND TP.Hà Nội cho biết trong trường hợp toàn bộ tài sản của ông Đinh La Thăng đã bị kê biên nhưng không đủ khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ treo khoản nợ đó và vẫn bắt buộc bị cáo chấp hành án. Nếu bị cáo chưa có điều kiện về kinh tế để chấp hành án thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ khoản nợ đó chứ không xóa đi. Trong trường hợp bị cáo bồi thường đủ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trong việc giảm án, ra tù trước thời hạn.
PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng theo quy định hiện hành, ngay sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án. Với những tài sản trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phong tỏa thì có thể thi hành ngay; còn những tài sản khác thì thi hành án dân sự sẽ tiến hành kê biên từ tài sản chung đến tài sản riêng. Với tài sản đồng sở hữu sẽ tiến hành bán đấu giá có sự tham gia của người sở hữu tài sản. Sau khi thu tiền về sẽ chia theo từng phần của người được hưởng, phần của người phải thi hành án sẽ thu hồi để thực thi theo quyết định của tòa. "Số tiền bồi thường của ông Đinh La Thăng lên đến hơn 800 tỉ đồng là rất lớn và khả năng thu hồi rất khó. Trong trường hợp này, ông Thăng có chấp hành tốt bản án thì phần khắc phục hậu quả không hoàn thành sẽ khó được xem xét để mức án được giảm nhiều hơn" - ông Độ nói
Đáng chú ý, ngoài vụ án của ông Đinh La Thăng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Tư pháp, từ tháng 1 đến 9-2020, về tổng số tiền phải thi hành án là hơn 75.751 tỉ đồng nhưng cơ quan thi hành án chỉ mới thu hồi được hơn 11.390 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 23,25%.
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa vụ án Ethanol Phú ThọẢnh: TTXVN
Nhiều bất cập
Đánh giá chung về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng việc thu hồi tài sản trong những năm gần đây đạt được nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỉ lệ thu hồi còn thấp so với số phải thi hành. Việc tổ chức thi hành một số vụ việc còn chậm, hệ thống pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quan tâm hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Pháp luật hình sự mới chỉ có quy định về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đã khắc phục cơ bản hậu quả mà chưa quy định cụ thể chính sách giảm nhẹ hình phạt đối với các trường hợp khác khi người phạm tội tham nhũng tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả. Pháp luật tố tụng hình sự quy định cơ quan điều tra chỉ kê biên tài sản của bị can tương ứng với tài sản đã bị chiếm đoạt, thất thoát hoặc gây thiệt hại. Trong khi đó, để kết luận giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát phải trải qua quá trình điều tra, giám định tư pháp lâu dài nên dễ bị lợi dụng để tẩu tán tài sản. Pháp luật về thi hành án dân sự chưa có quy định cơ chế riêng trong việc thu hồi tài sản cho nhà nước nên quá trình tổ chức thi hành án còn nhiều vướng mắc phát sinh, kéo dài.
Mặt khác, cơ chế quản lý tài sản của cá nhân, tổ chức hiện nay còn thiếu hiệu quả, vẫn còn nhiều giao dịch kinh tế, dân sự thanh toán bằng tiền mặt… Những bất cập này gây nhiều khó khăn cho việc xác minh điều kiện thi hành án và xử lý để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Phải sớm có biện pháp ngăn ngừa Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với những con số mong muốn, con số kỳ vọng thì công tác này vẫn còn khiêm tốn. "Để việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được tốt, các cơ quan chức năng cần phải sớm có biện pháp ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có, của các đối tượng liên quan" - ông Hòa nhấn mạnh. |