Đủ kiểu móc túi cổ đông
Biết không thể nào huy động tiền bằng cách kêu gọi cổ đông góp vốn, Mau thường xuyên lên TPHCM gặp vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân. Trái với vẻ hào phóng sang trọng những ngày đầu mới gặp, Mau mang vẻ mặt thiểu não tìm đến anh Khắc Triệu để giãi bày tâm sự. Mau cho rằng bản thân gặp khó khăn về tài chính, ngân hàng không tiếp tục giải ngân, công ty trước đà phá sản. Mau tỏ ra hối hận xin từ chức Tổng giám đốc.
Anh Khắc Triệu thú thật: “Tôi giúp Mau là để vực dậy công ty. Công ty phá sản, ngân hàng phát mãi thì đồng nghĩa với tiền đầu tư của chúng tôi mất trắng”. Từ tháng 5 đến tháng 7-2010, anh Khắc Triệu chạy vạy, động viên những người bạn cho Mau mượn 3,5 tỷ đồng. Cũng như lần trước, khi nhận được tiền Mau sốt sắng với hành động quen thuộc “miệng rối rít cảm ơn và hứa sẽ hoàn trả lại trong thời gian sớm nhất” rồi tìm cách lánh nợ.
Hai năm, các cổ đông liên tục hối thúc Mau phải trả số tiền đã mượn nhưng họ chỉ nhận được lời hứa ảo. Đến nay, Mau thanh toán được 1,5 tỷ đồng, số tiền còn lại không biết bao giờ trả. Theo đơn tố cáo của các cổ đông, từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, công ty chỉ xuất sang Mỹ 3,5 tấn tôm khô rồi ngưng hoạt động.
Cận kề Tết năm 2010, ca sĩ Cẩm Vân được đối tác ở TPHCM đồng ý mua 5,5 tấn tôm khô để bán. Thế nhưng Mau với vai trò Tổng giám đốc công ty chỉ ghi nhận việc ký hợp đồng của các cổ đông. Còn việc giao hàng, Mau thừa nhận: “Bản thân tôi đã cố gắng hết sức nhưng bất lực”.
Kế hoạch thôn tính tài sản
Trước kiểu kinh doanh kỳ lạ của Mau, các cổ đông sáng lập chán nản bởi không còn cách vực dậy công ty. Những lần cổ đông nhắc nhở, vị Tổng giám đốc hứa rồi lại quên đẩy công ty vào đường phá sản. Ngày 15-2-2011, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân gác việc biểu diễn trở về Cà Mau tổ chức cuộc họp cổ đông.
Ông Mau có nhã ý mua 40% cổ phần của vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân cùng vợ chồng ca sĩ Tường Vy đang sở hữu, tương đương số tiền 12 tỷ đồng. Hợp đồng ký kết, cổ đông trở thành nạn nhân của Mau. Thực ra, Mau không có khả năng thanh toán các khoản nợ nên trì hoãn bằng cách mua cổ phần để tiếp tục kéo dài thời gian thanh toán. Anh Khắc Triệu gọi điện, Mau vẫn bài ca quen thuộc “ngân hàng đang giải ngân”.
Hai tháng sau, ông Mau gọi điện huy động các cổ đông đã chuyển nhượng cổ phần có cuộc họp gấp. Lần này, Mau giới thiệu ca sĩ Cẩm Vân, ông Nguyễn Hữu Thái cùng vợ là bà Trần Ngọc Sương (ngụ P15Q10, TPHCM) đồng ý mua lại 40% cổ phần mà ông Mau chuyển nhượng trước đó.
Với mong muốn nhanh chóng rút lại vốn, không tiếp tục kinh doanh mua bán với Mau, các cổ đông đồng ý bán cổ phần cho ông Thái. Ca sĩ Cẩm Vân nói: “Chúng tôi tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hợp đồng ký kết, vợ chồng ông Thái trì hoãn thanh toán. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu, tính đến nay ông Thái thanh toán được 6,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại họ hẹn lần hẹn lữa”.
Hết thất vọng này đến thất vọng khác, ngày 20-2-2012 anh Khắc Triệu, chị Cẩm Vân buộc lòng quay trở lại Cà Mau và phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của Tổng giám đốc. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông chưa thanh toán xong, Mau nhanh chóng lập thủ tục vay ngân hàng.
Để hợp thức hóa hồ sơ, từ ngày 15-3-2011 ngày 16-7-2011, Mau làm giả ba tờ khai thuế giá trị gia tăng với số lượng doanh thu khủng lên đến 40 tỷ đồng trong lúc công ty không hoạt động. Đặc biệt, Mau còn làm giả con dấu tiếp nhận hồ sơ của Chi cục Thuế huyện Năm Căn.
Đến nước này, anh Khắc Triệu mới giật mình: vợ chồng ông Thái - bà Sương chuyển nhượng cổ phần chỉ là màn kịch do Mau dựng sẵn. Cho đến nay, số tiền còn nợ mua bán cổ phần của cổ đông hàng tỷ đồng không biết khi nào thanh toán. Anh Triệu đành gởi toàn bộ hồ sơ cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau. Điều lạ, hồ sơ đã đầy đủ nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật có dấu hiệu bảo vệ cho Mau. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin chi tiết trên số báo phát hành ngày thứ ba (23-10).
“Đại gia” Hưng lùn nợ nhu chúa chổm
Ngoài việc có hành vi chiếm đoạt tài sản của các cổ đông, Tạ Hùng Mau nợ như chúa chổm trên địa bàn TP.Cà Mau. Những bạn bè thân thuộc trong kinh doanh thủy hải sản đều bị Mau vay mượn rồi không thanh toán.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, Mau là con nợ khó đòi. Năm 2010, anh T.M, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản ở Cà Mau, cho Mau vay 4 tỷ đồng. Mau thế chấp giấy chứng nhận biệt thự. Sau đó, Mau mượn lại giấy tờ nhà để vay ngân hàng. Anh T.M tin tưởng nên mắc bẫy. Đến nay, Mau còn nợ 2 tỷ đồng.
Theo Dantri