Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Với quy định này, hành vi trộm cắp tài sản của người khác dù giá trị lớn hay nhỏ đều là trái pháp luật. Nó không những xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ tài sản mà còn xâm phạm đến an ninh trật tự của xã hội, cộng đồng, là những giá trị mà pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, tùy theo giá trị tài sản bị trộm cắp mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự hoặc chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (như trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Hành vi trộm cắp dưới hai triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 nói trên thì bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Về nguyên tắc, khi tiếp nhận thông tin liên quan hành vi trộm cắp như có đơn trình báo, đơn tố cáo... của công dân, tổ chức thì cơ quan công an có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết bất luận giá trị tài sản mất trộm lớn hay nhỏ.
Nếu xét thấy hành vi trộm cắp có dấu hiệu hình sự và thuộc trường hợp quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ thì cơ quan điều tra có quyền tạm giữ người vi phạm để điều tra, xác minh. Sau khi xác minh, nếu hành vi trộm cắp chưa đến mức xử lý hình sự thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Người bị tạm giữ trong trường hợp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp. Trường hợp đủ cơ sở xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị khởi tố bị can để điều tra.
Căn cứ nhân thân của bị can, mức độ nghiêm trọng của hành vi trộm cắp và giá trị tài sản trộm cắp, cơ quan điều tra có quyền cho bị can tại ngoại để phục vụ điều tra hoặc ra quyết định tạm giam bị can để điều tra. Thông thường, những người có nhân thân xấu (có tiền án, tiền sự), không có nghề nghiệp, địa chỉ cư trú rõ ràng, hoặc căn cứ khác cho rằng bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội thì sẽ bị tạm giam để điều tra.
Về hình phạt, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp cũng như giá trị tài sản trộm cắp mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân.
Theo VnExpress