Nhà đầu tư Hàn, Nhật rủ nhau bỏ bất động sản TP.HCM

Thứ năm, 23/01/2014, 09:10
Thị trường bất động sản đã chứng kiến sự ra đi của nhiều nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại, trong đó những cái tên đình đám như “bầu” Đức cũng thẳng thắn tuyên bố rút lui khỏi thị trường.

Ảnh minh họa

Không ít dự án có vốn ngoại vẫn để hoang, cỏ mọc um tùm, rồi kiện cáo, khiếu nại, thậm chí chủ đầu tư bỏ trốn, như tại Dự án Splendora. Và việc ra đi của các chủ đầu tư vẫn chưa dừng lại khi mới đây, bà Nguyễn Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, một số nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đang có kế hoạch rút khỏi thị trường bất động sản TP.HCM.

“Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi -Vành đai ngoài, được thực hiện theo hình thức BT, nhà đầu tư Hàn Quốc đã có ý định rút khỏi dự án với lý do việc khai thác quỹ đất dọc tuyến đường không đảm bảo lợi nhuận”, bà Loan nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội (Handico), thị trường vẫn có những mảng sáng.

“Đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận, nên khi không tìm thấy lợi nhuận, thì việc rút khỏi thị trường là điều dễ hiểu”, ông Cửu nói và cho rằng, thị trường bất động sản đang dần trở lại với giá trị thực của nó. Các công ty ở lại thị trường phải hội tụ cả yếu tố cần và đủ, đó là có nguồn lực tài chính lành mạnh và có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Cũng theo ông Cửu, thương hiệu doanh nghiệp phải được tạo ra từ lòng tin, do đó, nhà đầu tư phải đặt mình vào vị trí khách hàng để nắm bắt tâm lý, từ đó xây dựng chiến lược cũng như cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp.

Tại TP.HCM, một số nhà đầu tư quyết định chuyển hướng kinh doanh, găm đất chờ thời, như Công ty Bình Dân, Công ty NVT, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chọn hướng đẩy mạnh đầu tư bằng việc mua lại các dự án dở dang, như Hưng Thịnh corp công bố mua lại dự án chung cư Hiệp Tân và dự án Nguyễn Quyền 2 để hiện thực hóa dòng sản phẩm căn hộ 8X với tiêu chí diện tích nhỏ, giá phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng có những đơn vị cùng lúc thực hiện cả hai biện pháp, vừa găm đất chờ cơ chế, vừa tiếp tục đầu tư dòng sản phẩm giá bình dân như Công ty Lê Thành.

Không mấy lo lắng về việc ra đi hay ở lại của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, ra đi hay ở lại đều là việc bình thường. Khó khăn chính là cơ hội để thị trường sàng lọc và chỉ những nhà đầu tư đủ năng lực mới có thể trụ lại, còn những nhà đầu tư yếu kém phải chấp nhận ra đi.

“Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách vĩ mô, bằng cơ chế để hỗ trợ thị trường, chứ không phải cứu tất cả các nhà đầu tư", ông Nam nói và cho rằng, đã đến lúc không thể để hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vốn 3 - 4 tỷ USD, nhưng vốn thực mang vào chỉ khoảng 20 - 30% đủ chi phí ban đầu, sau đó lại huy động vốn trong nước, thậm chí bán lại dự án. Đối với các nhà đầu tư trong nước, nếu không đủ năng lực thực hiện dự án cũng phải chấp nhận việc bán lại dự án, hay bị thu hồi.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích