Năm 2013: “Canh bạc” bất động sản khiến đại gia vướng vòng lao lý

Thứ ba, 31/12/2013, 08:20
Từ khi thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn, bĩ cực cũng là lúc nhiều đại gia địa ốc vướng vào vòng lao lý. “Canh bạc” bất động sản là một bài học lớn cho nhiều doanh nhân, họ đã trả học phí quá đắt và người dân cũng lao đao, trắng tay khi “đặt cược”.

Nguyễn Hoàng Long (bên trái) - Chủ tịch HĐTV Công ty CP tập đoàn Megastar
bị bắt ngày 17/5/2013.

Đại gia địa ốc-kẻ vướng lao lý, người lao đao

Thời gian qua, hàng loạt những đại gia địa ốc “dính” vòng lao lý khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Người tiêu dùng “chết đứng” khi hay tin ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu, đầu tư, xây dựng và phát triển Hà Nội (công ty phát triển HN) đã bị cơ quan cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an tiến hành việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ việc liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng.

Căn cứ vào hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty CP tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án này. Tuy nhiên, số tiền trên đã không được dùng để thực hiện dự án và sau gần 3 năm huy động vốn, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Trước đó, đầu tháng 7/2013, dư luận xôn xao với thông tin ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch công ty CP Tập đoàn Megastar (đại gia nổi danh bởi sở hữu rất nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội) bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sau khi ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt, số phận của dự án và hàng trăm khách hàng không biết đi về đâu.

TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng.

Gần đây nhất, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ lừa đảo ở dự án Thanh Hà - Cienco 5, trong đó 2 bị cáo là Lê Hòa Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1.5, Nguyễn Thị Kim Thoa - nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng phải chịu mức án tù chung thân.

Trước hàng loạt vụ việc trên, nhiều người lo ngại khi “đặt cược” khối tài sản chắt chiu cả đời cho những dự án “đắp chiếu”, dự án trên giấy sẽ đổi lại sự trắng tay.

Điển hình, gần đây khách hàng liên tiếp tố chủ đầu tư dự án CT1 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) chậm tiến độ, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn và nộp cho công ty này từ 350 đến 500 triệu đồng để giành quyền mua căn hộ tại đây.

Dự án cũng đã một lần thay đổi nhà thầu nhưng vẫn triển khai một cách nhỏ giọt từ đó đến nay. Ngoài dự án CT1 Vân Canh, AZ Land còn sa lầy ở hàng loạt dự án bất động sản khác có góp vốn như AZ Sky Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội); CT2 Vân Canh; AZ Thăng Long... Các dự án đều đã huy động vốn góp từ nhiều năm nay nhưng tiến độ xây dựng đều chậm trễ so với cam kết của hợp đồng góp vốn.

Theo nhận định của các chuyên gia, sau hàng loạt vụ việc các đại gia địa ốc “dính” vòng lao lý sẽ còn nhiều vụ việc khác nữa vỡ lở trong thời gian tới. Bởi, hiện rất nhiều khách hàng tại các dự án vẫn tiếp tục khởi kiện, tố cáo chủ đầu tư ra cơ quan pháp luật .

Cơ quan quản lý chưa thức tỉnh?

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng nhận định: “Việc phê duyệt là chủ trương, còn chủ đầu tư không thực hiện dự án là do 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là do rủi ro thị trường. Khi chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng nhưng thị trường suy thoái, huy động không đủ để làm tiếp, các ngân hàng lại ngưng việc cấp tín dụng dẫn đến dự án đổ bể. Thứ hai, chủ đầu tư là... kẻ lừa đảo. Việc để cho kẻ lừa đảo “cuỗm” tiền của dân thì rõ ràng người phê duyệt phải có trách nhiệm.

Theo quan điểm của tôi, thời gian vừa qua, các dự án bất động sản bị đổ bể có cả 2 lý do trên. Thực tế, có những chủ đầu tư huy động vốn xong “ôm tiền” tiêu hoặc bỏ trốn để mặc khách hàng. Dù vì lý do gì, các vụ việc trên, khách hàng đều phải đưa ra tòa án, trọng tài kinh tế để đảm bảo quyền lợi đúng theo hợp đồng”.

Theo TS.Liêm, từ các vụ việc đại gia địa ốc rơi vào vòng lao lý, chủ đầu tư bị tố lừa đảo khách hàng, điều quan trọng là các cơ quan quản lý Nhà nước rút ra được bài học gì? Hiện nay, tôi cảm giác các cơ quan quản lý vẫn chưa “thức tỉnh”, chưa rút ra bài học kinh nghiệm.

Mới đây, bộ Xây dựng đề xuất những chủ đầu tư mua bảo hiểm dự án để đến khi chủ đầu tư không có tiền thì bảo hiểm trả thay. Nhưng tôi cũng tự hỏi, “có nhà bảo hiểm nào nhận việc ấy?”. Đề xuất này khó khả thi. Vậy bài học này ở đâu?

“Theo tôi, nhà kinh doanh phải vay vốn tín dụng chứ không thể dùng vốn của người mua. Người mua nộp tiền cho chủ đầu tư thời điểm đó chỉ dưới hình thức đặt cọc. Đặt cọc là để cam kết rằng, nếu chủ dự án xây dựng căn hộ đúng yêu cầu người mua, đúng thời hạn thì khách hàng mua và để người bán tin tưởng là sẽ có khách hàng.

Tiền đặt cọc là tiền gửi vào tài khoản không được sử dụng. Tài khoản đó chỉ để đảm bảo lời cam kết bằng tiền, theo Luật dân sự. Nếu đúng hợp đồng, đúng thời hạn mà dự án nhà chưa xong thì chủ đầu tư phải nộp một số tiền tương đương tiền đặt cọc. Còn nếu chủ đầu tư có hàng mà người mua không mua thì số tiền đặt sẽ mất, người chủ đầu tư sẽ hưởng.

Tiền đặt cọc không có nghĩa là vốn để cho chủ đầu tư kinh doanh. Chủ dự án vẫn phải vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng là chính”, TS.Liêm phân tích.

Đòi công lý trên lý thuyết

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty luật TNHH Fanci, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Bắc Giang cho rằng, người có thẩm quyền là chủ đầu tư (hoặc ông chủ của chủ đầu tư dự án bất động sản-PV), khi các chủ đầu tư kêu gọi người dân đầu tư vào các dự án và sau đó sử dụng tiền đó không đúng với thỏa thuận với các nhà đầu tư thứ cấp, với khách hàng, nếu như xác định đó là lỗi cố ý thì cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối với người dân khi nộp tiền vào các đơn vị đó rồi, trước hết họ trở thành bị hại của những kẻ lừa đảo đó. Người dân góp bao nhiêu tiền thì họ bị thiệt hại bấy nhiêu. Pháp luật thì sẽ tuyên cho kẻ phạm tội phải có trách nhiệm trả lại cho những người góp vốn khoản tiền, cũng như quyền lợi liên quan. Kể cả những khoản bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu như họ không còn năng lực thanh toán thì những người góp vốn chỉ đòi được về mặt công lý chứ không đòi được về mặt thực tế.

Thông thường những vụ việc này xảy ra với tính chất nghiêm trọng rất lớn vì dự án bất động sản có kích cỡ, số lượng đáng kể, việc huy động không phải một vài trăm triệu mà lên đến nhiều tỷ đồng, liên quan nhiều chủ thể trong xã hội cho nên nó tạo ra không chỉ một bị hại mà có thể lên đến vài trăm bị hại, tác động rất lớn đến một nhóm người dân trong xã hội.

Nếu trong cùng một địa phương mà có tới 3, 4 dự án bất động sản ở trong tình trạng trên thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đến đời sống xã hội và kinh tế ở vùng đó. Chính vì vậy các vụ lừa đảo ở quy mô lớn về số lượng bị hại và tiền nhiều là tình tiết tăng nặng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chiếm dụng vốn của khách hàng thì không phải trả lãi!?

Theo TS.Liêm, khi các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho vay bao giờ họ cũng đánh giá dự án đó có khả thi không? Thứ hai là vay tín dụng phải trả lãi nên chủ đầu tư phải làm khẩn trương, làm chắc chắn. Còn chiếm dụng vốn người mua thì đương nhiên họ không phải trả lãi. Họ cứ “ôm” tiền đó, muốn nhanh muốn chậm gì cũng được. Vay tín dụng thì phải làm nhanh, làm khẩn trương nếu không muốn trả nhiều lãi.

Theo ĐSPL

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích