Tính diện tích căn hộ
Thời gian gần đây, thị trường BĐS liên tiếp xảy ra các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ chung cư, dù Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Theo các chuyên gia, cách tính diện tích căn hộ chung cư theo quy định tại Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng không thống nhất với Luật nhà ở và Nghị định 71 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở. Bộ Xây dựng cần phải điều chỉnh Thông tư 16 theo hướng tách bạch được những phần diện tích chung và riêng.
Đơn cử, ở vụ tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ tại Dự án chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, khách hàng không chấp nhận các dẫn chứng văn bản chứng minh sự đúng đắn của cách tính diện tích do chủ đầu tư đưa ra. Không đồng tình với kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng trả lời Tập đoàn Nam Cường "đối với phương thức xác định kích thước từ tim tường thì diện tích sàn căn hộ không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung", cư dân mua nhà tiếp tục gửi đơn khiếu nại yêu cầu giải thích rõ.
Cách đây không lâu, nhiều khách hàng mua căn hộ CT6 khu đô thị Xa La và dự án chung cư Đại Thanh mới đây cũng đứng ngồi không yên vì cách tính diện tích của chủ đầu tư không đúng như trong hợp đồng đã ký.
Việc giải quyết tranh chấp gặp không ít khó khăn, bởi trong khi các chủ đầu tư luôn khẳng định tuân thủ theo luật, thì khách hàng lại thấy thiệt thòi nên vẫn khiếu nại, kiện cáo. Xung đột vẫn chưa đến hồi kết vì dù cho người dân đã "cầu cứu" tới Bộ Xây dựng, thậm chí khởi kiện ra tòa thì mọi bức xúc của họ vẫn chưa được giải tỏa.
Chiếm dụng vốn và chậm giao nhà
Huy động cả trăm tỉ đồng vào dự án BĐS nhưng rồi lại đem số tiền đó đi đầu tư vào dự án khác, hệ quả là vòng quay vốn bị tắc, nhiều chủ đầu tư đã không thể hoàn thành được hợp đồng với người mua nhà.
Thực trạng này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới những vụ kiện cáo lình xình giữa khách hàng với các chủ đầu tư BĐS, thậm chí nhiều ông chủ của một loạt các DN BĐS đã bị bắt do có dấu hiệu lừa đảo, huy động số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng của khách hàng nhưng đã không dùng để triển khai dự án.
Điển hình có thể kể đến trường hợp bắt tạm giam chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn ngày 28/9/2013 vừa qua. Ông chủ của Tập đoàn Vina Megastar đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hay như dự án Tricon Towers của Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt vẫn trơ móng hoen gỉ mặc dù đã quá thời gian giao nhà. Nhiều khách hàng đã nộp từ 30 - 70% giá trị căn hộ đang không biết bấu víu vào đâu khi không thể liên lạc được với chủ đầu tư.
Tại TP HCM, hàng chục khách hàng mua căn hộ tại dự án Thảo Loan Plaza (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã kéo đến trụ sở công ty này ở chung cư Mỹ Vinh (quận 3, TP.HCM) treo băng rôn tố cáo công ty Thảo Loan chiếm dụng vốn, lừa đảo, chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng so với hợp đồng gần 2 năm.
Chậm giao nhà, nhiều chủ đầu tư cũng đối mặt với việc khách hàng kiện ra tòa như trường hợp của Quốc Cường Gia Lai. Xử sơ thẩm, TAND quận 3 tuyên buộc Công ty Quốc Cường phải có nghĩa vụ thanh toán cho bà Ngọc số tiền 258 triệu đồng, sau đó phía Quốc Cường kháng cáo.
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường là công ty con của Công ty Quốc Cường Gia Lai (sở hữu 90% vốn). Tuy nhiên, không lâu sau khi bị xử thua kiện vì chậm giao nhà cho khách hàng, Công ty Quốc Cường Gia Lai bất ngờ chuyển nhượng vốn tại công ty con này nhưng không nêu rõ giá trị cũng như người mua là ai.
Theo Vef