Trong khi làn sóng đầu tư vào những điểm nóng về bất động sản du lịch một thời như Nha Trang, Phan Thiết hay Đà Nẵng đang nguội dần, thì Phú Quốc lại trở thành “thỏi nam châm” cực mạnh với những doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở những vùng đất mới.
Những bản vẽ khu nghỉ dưỡng hoành tráng trên giấy đang dần trở thành hiện thực ở hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng” trong tương lai của Việt Nam.
|
Nhiều dự án nghỉ dưỡng sang trọng đang được khẩn trương xây dựng tại Phú Quốc nhằm níu chân khách du lịch dài ngày. |
Diện mạo của “đảo ngọc” sẽ thay đổi đáng kể khi Khu du lịch Vinpearl khai trương tháng 11 tới. Với 750 phòng và 30 biệt thự, đây không những là khách sạn lớn nhất của Vingroup, mà còn là dự án lớn nhất và 5 sao đầu tiên ở Phú Quốc.
Quan trọng hơn, Vingroup sẽ khoả lấp khoảng trống cực lớn của Phú Quốc khi đầu tư hệ thống vui chơi giải trí quy mô lớn trong khuôn viên dự án hơn 300 ha này.
Mặc dù Phú Quốc có rất nhiều tiềm năng trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn, nhưng lượng khách du lịch đến Phú Quốc vẫn còn ít. Mỗi năm hòn đảo này đón khoảng 600.000 khách du lịch với 20% là khách quốc tế. Khách du lịch chỉ ở 2-3 ngày và rất ít khách quay lại lần hai.
Nguyên nhân chính được công ty tư vấn bất động sản CBRE chỉ ra là, ngoài bãi biển đẹp, sản phẩm du lịch và dịch vụ giải trí ở đảo rất ít. Việc Vingroup đưa vào hoạt động khu công viên nước, nhà biểu diễn cá heo, sân khấu nhạc nước, thuỷ cung và sân golf 27 lỗ sẽ tạo lực hút và níu chân du khách.
Sự hiện diện của một tập đoàn bất động sản lớn Vingroup đã kích thích các doanh nghiệp khác dốc hầu bao vào Phú Quốc. SunGroup – một doanh nghiệp với nhiều dự án lớn ở Đà Nẵng như khu du lịch Bà Nà Hills, khách sạn Novotel Danang, InterContinental và The Premier Village – đã xuất hiện ở hòn đảo cách TP.HCM chưa đến 1 giờ bay.
Sun Group đã được tỉnh Kiên Giang chấp thuận giao 100ha đất thuộc Bãi Khem để lập quy hoạch đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn từ 5 sao trở lên. Bãi biển đẹp nhất nhì Phú Quốc này đã nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư, nhưng chưa doanh nghiệp nào được chấp nhận vì đây là đất quốc phòng.
CEO Group cũng đang kích hoạt kế hoạch đầu tư “khủng” vào Phú Quốc. Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group cho biết, Tập đoàn sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng một khách sạn thương hiệu Novotel với 405 phòng và 44 bungalow tại trung tâm Bãi Trường. Cuối năm tới, dự án này sẽ được khai trương và là một phần trong tổ hợp Sonasea Villas & Resort rộng 80ha có vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. CEO Group còn đang sở hữu hai dự án khác là Sonasea Residences và Sonasea Golf Estates với tổng diện tích trên 210ha.
Cũng tại Bãi Trường, Tập đoàn Nam Cường đã giải phóng xong mặt bằng cho khu nghỉ dưỡng rộng 32ha. Ông Trần Oanh, Phó chủ tịch Tập đoàn, tiết lộ, dự án sẽ khởi công vào cuối năm nay với hạn mục khách sạn và biệt thự cho thuê có tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Gần đó, BIM Group đang đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng tổ hợp khách sạn Crowne Plaza với gần 500 phòng, căn hộ và biệt thự.
Với một loạt dự án khởi động, trong vòng 2 năm tới, Phú Quốc sẽ đón nhận thêm 1.500 - 2.000 phòng khách sạn 4-5 sao. Hiện tại, Phú Quốc có chưa tới 1.000 phòng đạt tiêu chuẩn dưới 4 sao, và khách sạn lớn nhất là Sài Gòn Phú Quốc cũng chỉ có chưa đến 100 phòng. Vài tháng tới, có thêm một số dự án nhỏ mở cửa là Salinda và Famiana.
Các nhà tư vấn tính toán, chi phí xây dựng ở Phú Quốc cao hơn 30% so với đất liền và chi phí tiền điện được xem là ác mộng. Trước thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam kéo cáp ngầm xuyên biển để cung cấp điện cho Phú Quốc, chi phí điện có thể chiếm tới 12-15% tổng doanh thu khách sạn, gấp 2-3 lần so với ở đất liền. Vì thế, mặc dù Chính phủ đưa ra các ưu đãi cho nhà đầu tư như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% suốt đời dự án (so với 22% ở đất liền), người Việt được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và khách du lịch được miễn visa nếu ở dưới 30 ngày, nhưng ít nhà đầu tư mặn mà rót vốn.
Tuy nhiên, theo CBRE, khi Phú Quốc hoà điện lưới quốc gia hồi đầu năm 2014, giá điện bán tại đảo bằng giá điện trong đất liền là có sự giảm mạnh, chỉ bằng 1/5 so với trước đây. Ông Bình cho biết, chi phí điện giảm đồng nghĩa với chi phí hoạt động giảm và lợi nhuận tăng. Một nút thắt nữa được tháo gỡ là sân bay mới đã đi vào hoạt động, với công suất tăng hơn 60% so với sân bay cũ.
Các hãng hàng không như Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã đưa máy bay lớn hơn vào khai thác và mở thêm các đường bay thẳng mới khiến lượng khách tăng vọt, đẩy giá phòng khách sạn lên rất cao. Phú Quốc hiện là một trong những nơi có giá phòng khách sạn cao nhất Việt Nam. Cầu cao và chi phí hoạt động giảm đã kích thích các nhà đầu tư cấp tập đổ vốn vào Phú Quốc.
Dẫu vậy, so với hơn 100 dự án đã được cấp phép với vốn đầu tư đăng ký lên đến 6 tỷ USD, thì số những dự án đang triển khai như muối bỏ biển. Điều mà các nhà đầu tư và các nhà tư vấn lo ngại là hệ thống cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn. Mặc dù tuyến đường vòng quanh và xuyên đảo dài 100km đang được xây dựng, nhưng tốc độ triển khai rất chậm.
“Cho dù Chính phủ có giảm bao nhiêu tiền thuế và gỡ bỏ những rào cản, việc thiếu hụt hạ tầng cơ bản như đường nhựa kết nối sẽ là cản trở lớn đối với sự phát triển của đảo,” nhóm nghiên cứu của CBRE kết luận. Giải phóng mặt bằng chậm, quy hoạch thay đổi cũng là bài toán hóc búa đối với nhà đầu tư và chính quyền.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về việc thiếu hụt lao động chất lượng. Dù số lượng khách sạn hiện còn khiêm tốn, nhưng lao động đã thiếu, vì vậy, với số lượng phòng rất lớn mở cửa trong thời gian tới, cuộc chiến giành lao động tại Phú Quốc cũng sẽ diễn ra khốc liệt.
Theo ông Mauro Gasparotti, các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu thêm chi phí đào tạo cũng như phải đưa ra mức lương và ưu đãi hấp dẫn thì mới có thể thu hút được lao động. Vì thế, chi phí nhân công sẽ tăng lên và lợi nhuận sẽ bị bào mòn.
Theo Đầu Tư