Vụ việc bắt đầu từ khi bà Nguyễn Thị Minh Đức (trú tại Ba Đình, Hà Nội) và công ty cổ phần Thương mại Địa ốc Thế Giới Lê (đóng tại quận 7, TP.HCM) ký Thỏa thuận đặt cọc số 0410/TTĐCHKT để chuyển nhượng căn hộ C2 block A tầng 18 của Dự án Khu căn hộ cao cấp và văn phòng Hongkong Tower (243A, Đê La Thành, Hà Nội) vào ngày 20/9/2010, với tổng giá trị chuyển nhượng 198.750 USD.
Điều đáng nói là, Thế Giới Lê không phải là chủ đầu tư tòa nhà này, cũng không có liên hệ gì với chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng (TDC), mà chỉ chung vốn với công ty cổ phần Đầu tư đô thị Kang Long, là một đối tác ký hợp đồng với TDC để xây dựng tòa nhà này. Như vậy, bà Đức đã mua một căn hộ qua bên B “hai phẩy”.
Sau khi ký hợp đồng, bà Đức đã 4 lần chuyển tổng số tiền 91.426 USD cho Thế Giới Lê, nhưng chờ mãi mà căn hộ chưa thấy đâu, nên bà Đức yêu cầu Thế Giới Lê hoàn trả lại tiền đặt cọc. Thế Giới Lê đã trả cho bà Đức 32.400 USD thì không trả nữa, còn nợ lại 59.026 USD. Sau gần 3 năm kể từ khi góp vốn, bà Đức đã kiện ra Tòa án Nhân dân quận 7, TP.HCM.
Thế Giới Lê đã bày ra hợp đồng giao dịch dân sự giả về Dự án Hongkong Tower để huy động vốn. |
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8/2014, Tòa án Nhân dân quận 7 đã xác định, Dự án Hongkong Tower do TDC làm chủ đầu tư và trong công văn gửi Tòa án, TDC khẳng định, không có bất kỳ mối liên hệ nào với bà Nguyễn Thị Minh Đức và Thế Giới Lê.
Tại phiên tòa, đại diện công ty Kang Long cho biết, Thế Giới Lê có ký hợp đồng tham gia góp vốn với công ty, nhưng chưa góp đủ vốn theo nghĩa vụ cổ đông như cam kết. Việc Thế Giới Lê tự ký kết chuyển nhượng căn hộ Dự án Hongkong Tower với một số người, trong đó có bà Đức, đồng thời tự huy động và sử dụng nguồn vốn huy động từ dự án này (không báo hay nộp tiền lại cho Kang Long) là vi phạm pháp luật và các điều khoản hợp đồng đã ký giữa 2 bên. Công ty Kang Long không biết và không chịu trách nhiệm về các vấn đề phát sinh.
Đại diện của Thế Giới Lê cũng xác nhận việc ký hợp đồng đặt cọc với bà Đức và số tiền 91.426 USD mà bà Đức đã chuyển cho Thế Giới Lê, cũng như việc công ty đã trả bà Đức 32.400 USD, còn 59.026 USD.
Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Minh Đức cho rằng, thực tế Thế Giới Lê không có tiền để góp vốn với công ty Kang Long, nên bày ra hợp đồng giao dịch dân sự giả tạo, nhằm che giấu mục đích thật của mình là huy động vốn. Tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng, Dự án còn chưa triển khai, chưa xong phần móng, như vậy là vi phạm Luật Nhà ở 2005.
Tại phiên toà sơ thẩm, đại diện Thế Giới Lê đồng ý sẽ trả nốt bà Đức số tiền còn thiếu, nhưng sẽ chỉ trả khi “khách hàng thanh toán tiếp tiền mua nhà thì công ty sẽ trả tiền ngay cho bà Đức”. Tòa án Nhân dân quận 7, TP.HCM đã bác lý lẽ này của Thế Giới Lê, và tuyên bố “Thỏa thuận đặt cọc” số 0410/TTĐC.HKT giữa công ty này và bà Nguyễn Thị Minh Đức là vô hiệu; Thế Giới Lê có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Đức số tiền 59.026 USD (tương ứng hơn 1,2 tỷ đồng), trả tất cả làm một lần khi án có hiệu lực…
Sau đó, Thế Giới Lê đã kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân quận 7 ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, vẫn với lý lẽ là chỉ trả tiền bà Đức khi nào khách hàng thanh toán tiếp tiền mua nhà. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/11/2014 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP.HCM bác đơn kháng cáo của Thế Giới Lê, tuyên y án sơ thẩm.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù thắng kiện, nhưng bà Đức vẫn chưa nhận được đủ số tiền của mình. Vụ việc là lời cảnh báo tới các khách hàng mua nhà rằng, trước khi ký hợp đồng giao dịch dân sự, cần phải thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác, không nên “thả gà ra đuổi”, để rồi vướng vào kiện tụng kéo dài mất nhiều công sức và đồng tiền bị “chôn” mấy năm trời.
Theo Đầu Tư