Địa ốc trong nước khấp khởi chờ khách ngoại

Thứ sáu, 19/12/2014, 09:07
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM “thở phào nhẹ nhõm” với quyết sách chính thức cho người nước ngoài mua nhà...

Địa ốc trong nước khấp khởi chờ khách ngoại

Người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong vòng 50 năm với
một số điều kiện ràng buộc đi kèm.

Việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) cuối tháng 11 vừa qua, trong đó chính thức cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, được xem là một bước ngoặt lớn trên thị trường bất động sản.

Dù rằng, chính sách này phải đến 1/7/2015 mới có hiệu lực, song những tác động mang tính tâm lý đã có biểu hiện tích cực nhất định.

Giới đầu tư trong nước cũng đã và đang lên kế hoạch, để đón đầu cơ hội khá đặc biệt này.

“Dọn nhà đón khách”

Khi được hỏi ý kiến, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trong nước đều có tâm lý khá vui mừng ngay từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) còn ở dạng dự thảo.

Ông Tô Dũng, Chủ tịch Công ty Bất động sản Xuân Cầu - chủ đầu tư dự án Xanh Villas, nói rằng việc chính thức cho người nước ngoài mua nhà là một chính sách đúng đắn và kịp thời của Việt Nam, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “khỏi ốm” sau một thời gian dài lâm “trọng bệnh”.

Đặc biệt, đối với phân khúc bất động sản hạng sang, cao cấp hay các khu nghỉ dưỡng, việc cho phép người nước ngoài mua nhà sẽ mở ra một cơ hội không hề nhỏ cho việc “thanh lý” hàng tồn kho của phân khúc kén khách này.

“Thực tế dự án của chúng tôi ban đầu chỉ dự định là phân lô bán nền, song ban lãnh đạo đã tính toán lại và quyết định đầu tư với các sản phẩm hoàn thiện, để đón đầu những khách hàng có nhu cầu ở biệt thự cao cấp. Chúng tôi cũng vừa bỏ ra 100 tỷ đồng để xây dựng khu hạ tầng, tiện ích của Xanh Villas với mục đích cho khách hàng mục sở thị những gì mà chúng tôi đã giới thiệu”, ông Dũng nói.

Dự kiến sau khi hoàn thành khu tiện ích, Xuân Cầu sẽ tiến hành tung ra thị trường gần 200 căn biệt thự hạng sang để chào đón những khách hàng có điều kiện về tài chính, trong đó đối tượng mà doanh nghiệp này nhắm đến là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Cùng chung quan điểm “dọn nhà đón khách”, ông Vũ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tây Hồ Tây - chủ đầu tư dự án Water Mark, cho hay do vị trí dự án của doanh nghiệp này nằm ở ven hồ Tây, nên đối tượng mà Tây Hồ Tây nhắm tới là những người có thu nhập cao, hoặc người nước ngoài đang có nhu cầu thuê hoặc mua nhà.

Trước những yêu cầu của khách hàng, mới đây doanh nghiệp này đã phải gấp rút hoàn thiện để tiếp tục giới thiệu căn hộ mẫu của Water Mark, với mong muốn chứng minh về cam kết chất lượng của dự án.

“Cho dù phải hơn nửa năm nữa người nước ngoài mới được phép mua nhà chính thức, song hiện nay đã có khá nhiều khách hàng ngoại quốc quan tâm đến dự án của chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi tiếp hàng chục khách tham quan, tìm hiểu dự án trong đó có khá nhiều người nước ngoài”, ông Tùng nói.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Hoà Bình cũng khá hồ hởi sau khi Quốc hội chính thức cho người người nước ngoài mua nhà. Trò chuyện với VnEconomy, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường nói, hiện cả hai toà A và B dự án Hoa Binh Green City của doanh nghiệp này đều nhận được sự quan tâm của người nước ngoài.

Trong đó, khá nhiều thương gia, doanh nhân ngoại quốc đang thuê sinh sống tại toà A bày tỏ sẽ mua lại căn hộ, hoặc mua toà B đang xây dựng sau khi luật chính thức có hiệu lực.

Một số chủ đầu tư bất động sản khác hoặc các sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội cũng xác nhận với VnEconomy, rằng từ vài tháng trở lại đây, lượng khách hàng là người nước ngoài đến tìm hiểu thông tin về căn hộ, biệt thự đang ngày càng tăng, cho thấy những phản ứng của thị trường đã dần định hình rõ, sau khi cơ quan chức năng đưa ra dự thảo và Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 25/11 vừa qua.

Lo người nghèo trong nước khó mua nhà

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu nói rằng, việc Quốc hội thông qua chính sách mới đã khiến cho cá nhân ông và giới đầu tư bất động sản Tp.HCM “thở phào nhẹ nhõm”.

Vì, đây là kiến nghị mà ông cũng như tổ chức này đã theo đổi từ khá lâu và dành nhiều thời gian, công sức, để mong lĩnh vực bất động sản Việt Nam thực sự hội nhập với thể giới.

Ông Châu cũng xác nhận, hiệu ứng tâm lý về chính sách này đã có từ trước đó khá lâu.

Tại Tp.HCM - thành phố có khá đông người ngoại quốc sinh sống, trong vòng nửa năm nay đã hình thành luồng dư luận hào hứng. Nhiều chủ dự án bất động sản đã và đang lên kế hoạch chào sản phẩm của mình, trong đó đặt không ít kỳ vọng vào khách hàng ngoại.

“Đây là một quyết định tạo sự hưng phấn, động lực cho thị trường, vì chắc chắn sẽ tăng tổng cầu”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thắc mắc đôi điều khi luật được thông qua.

Đó là, liệu việc này có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong nước, đặc biệt là những người có thu nhập thấp - trung bình? Vì không ai dám chắc là người nước ngoài chỉ mua phân khúc cao cấp. Hơn nữa, với những người có kế hoạch sinh sống, làm việc tại Việt Nam lâu dài, thì với giá thuê nhà khá cao như hiện nay, chắc chắn họ sẽ chuyển sang mua thay vì đi thuê.

Đặc biệt, theo ông Châu, hiện ở Tp.HCM có đến hơn 80 nghìn người Hàn Quốc, 7.600 người Nhật, 1.200 người Đức, 6.000 người Philippines và rất nhiều người Trung Quốc… thì không thể không lo ngại, bởi nếu cầu tăng, chắc chắn giá cũng sẽ tăng.

Do đó, ông đề nghị, Nhà nước cũng cần có giải pháp để hỗ trợ những người thu nhập thấp - trung bình trong việc tiếp cận nhà ở. khi luật mới có hiệu lực.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng thấy băn khoăn với một số điều khoản của luật, trong đó có quy định khống chế số lượng được mua căn hộ là 30% trong một toà nhà, hoặc 250 căn trong một khu vực hành chính cấp phường.

“Không thể phủ nhận, người nước ngoài cùng quốc tịch, quốc gia thì họ thích ở cùng khu vực với nhau, vì chung phong tục tập quán. Còn nếu quy định nhà riêng lẻ chỉ tối đa 250 căn trong một phường thì không hợp lý, vì đơn giản chỉ riêng một dự án như Phú Mỹ Hừng cũng có đến hàng nghìn căn hộ, biệt thự”, ông Châu nói.

Ngoài ra, ông cho rằng thời hạn sở hữu 50 năm là mức thấp nhất của thế giới đang áp dụng hiện nay. Nhiều nước đang áp dụng 75 hoặc 99 năm. Nếu quy định thời hạn này thì cũng phải làm rõ là sau này khi hết thời hạn, người nước ngoài có được tái ký hay không, để con cháu họ có thể an tâm.
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn