Từ trái qua: Ông Nguyễn Hữu Cường, ông Lê Hoàng Châu, GS. Đặng Hùng Võ
Việc ngân hàng bắt tay với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản không hề mới. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng hiện tại là thời điểm “chín muồi” để tháo van tín dụng cho bất động sản, ngân hàng đang tỏ ra nhạy bén khi gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại do tồn kho bất động sản, nợ xấu trong bất động sản vẫn ở mức cao, ngân hàng chỉ nên cho vay thay vì đầu tư trực tiếp. Và thực chất những cái bắt tay có thể khiến giá nhà “nhảy múa”.
Ngân hàng nhạy bén nắm bắt thời cơ
(Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)
Doanh nghiệp bất động sản vừa là đối tác vừa là khách hàng và bên cạnh đó, khách hàng, người mua nhà của các dự án bất động sản cũng là khách hàng của ngân hàng cho nên bên cạnh việc kinh doanh về mặt tín dụng của ngân hàng ở nhiều loại hình thì bất động sản là lĩnh vực quan trọng ngân hàng nhắm tới.
Nhất là hiện nay hoạt động mua trái phiếu Chính phủ của ngân hàng hiệu quả thấp mặc dù an toàn, các hoạt động đầu tư chứng khoán, cho vay ở những ngành kinh doanh khác, ngân hàng thấy rằng bất động sản đang hồi phục. Đây là xu thế ngân hàng nhạy bén, nhận thức được điều này.
Ngân hàng làm dựa trên những cơ sở pháp lý vững chắc.
Trước hết, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, khi ngân hàng tham gia, dù Chính phủ có giảm mức lãi suất cho người vay từ 6% năm 2013 xuống còn 5% năm 2014 và tiếp tục 5%/năm vào năm 2015, ngân hàng cũng có được chi phí quản lý là 1,5%
Chính vì vậy có nhiều ngân hàng đã đề nghị được tham gia gói tín dụng này. Bên cạnh 5 ngân hàng cũ, có thêm 8 ngân hàng mới được ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ.
Cơ sở pháp lý thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 36, trong đó đề cập đến chủ trương nới trần của việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung hạn dài hạn từ 30% lên 60%.
Các ngân hàng nhận thấy thị trường bất động sản đang tiếp tục đà hồi phục của năm 2014, mạnh hơn vào năm 2015, dựa trên tín dụng thị trường, nhu cầu vốn doanh nghiệp, nhu cầu vốn của người mua nhà, có cơ sở pháp lý, bật đèn xanh từ Ngân hàng Nhà nước…
Cơ sở pháp lý thứ 3, Quốc hội thông qua hàng loạt Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… trong đó có cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua và sở hữu nhà ở giống như người trong nước, cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại. Điều này tạo điều kiện cho cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam gia tăng nhu cầu mua nhà.
Thêm nữa, nhờ các sáng kiến của chính quyền địa phương như TP.HCM chủ trương kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Hiện, sau 7 năm khủng hoảng thị trường bất động sản vừa qua thị trường đã sàng lọc những nhà đầu tư làm ăn chộp giật, tay không bắt giặc, không chuyên nghiệp, không có năng lực tài chính, quản trị đã bị loại ra khỏi thị trường bất động sản…
Mạnh tay đổ vốn cho các dự án bất động sản
(Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội)
Sự gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho thấy sự hứa hẹn, kỳ vọng vào lợi nhuận của thị trường bất động sản từ phía ngân hàng.
Đó cũng là xu hướng gia tăng khi khủng hoảng bất động sản đã đi qua với lượng tiền nhiều.
Các ngân hàng đầu tư vào các dự án đất sạch, thủ tục xong, sức mua lớn sẽ lớn hơn nhiều việc đổ vào cho vay các doanh nghiệp.
Việc tham gia của ngân hàng vào chủ đầu tư, các dự án có tính thanh khoản lớn, thể hiện sự nắm bắt xu hướng, nhanh nhạy.
Trong cuộc thương mại hết sức rủi ro, ngân hàng bao giờ cũng có điều kiện đảm bảo nguồn tiền, tài sản thế chấp, đảm bảo nguồn trả nợ do đó lộ trình giải ngân dài hay ngắn do thỏa thuận.
Tuy nhiên tại thời điểm ngân hàng đang dư tiền, đua giảm lãi suất nên sẽ không có khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ các doanh nghiệp bất động sản.
Với các dự án chậm tiến độ, ngân hàng đã tấm lá chắn cho khách hàng, chủ đầu tư. Luật quy định tài sản hình thành trong tương lai phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chính ngân hàng là thẩm định cao nhất cho khách hàng và chính mình. Ngân hàng tham gia là có thêm tính pháp lý.
Ngân hàng chỉ nên cho vay, tránh đầu tư trực tiếp
(GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường)
Mặc dù nợ xấu bất động sản cao song nợ xấu trong lĩnh vực này khá phức tạp không phải tất cả từ ngân hàng. Trong đó có phần khá lớn là góp vốn của người mua nhà thông qua mua nhà trên giấy, vốn của nhà đầu tư thứ cấp, vốn của ngân hàng đầu tư trực tiếp, vốn ngân hàng cho vay thông qua thế chấp…
Việc bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản do Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, đáng ra ngân hàng chỉ được cho vay, không được đầu tư trực tiếp nhưng hiện nay ngân hàng vừa cho vay vừa đầu tư trực tiếp do hưởng lợi trực tiếp từ đây cao hơn cho vay.
Trong khi nhiều nước hạn chế tiền vay vào bất động sản, giữ cân đối nguồn cung bất động sản so với các lĩnh vực khác, Việt Nam vẫn thả lỏng.
Theo Bizlive