Không nên lạc quan "thái quá" vào thị trường BĐS?

Thứ ba, 27/01/2015, 10:16
Thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, nhận định về xu hướng phát triển của thị trường trong thời gian tới thì vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

saigon, bất động sản, nhà ở, mua nhà, đất nền, căn hộ

Những dự án dở dang, đắp chiếu sẽ cản trở đà phục hồi của thị trường bất động sản.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, sau 11 tháng đầu năm 2014, tồn kho bất động sản đã giảm mạnh. Cụ thể, đến ngày 20/11/014, tồn kho cả nước ước còn 77.800 tỷ đồng, giảm gần 40% so với quý I/2013 và giảm 17% so với cuối năm 2013.

Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 15.775 căn, nhà thấp tầng 13.000 căn, đất nền nhà ở là 8,6 triệu m2, đất nền thương mại là 1,6 triệu m2. Hà Nội còn tồn 1.911 căn hộ chung cư và 2.582 căn nhà thấp tầng. TP.HCM còn tồn 6.600 căn hộ chung cư, 716 căn nhà thấp tầng và 264.000 m2 đất nền nhà ở.

Tuy nhiên, nhìn nhận về thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù thanh khoản đã tốt hơn, nhưng đó mới chỉ là những diễn biến bề nổi, còn trên thực tế, hàng tồn kho còn nhiều và các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này vẫn gặp khó khăn.

Không tô hồng nhưng cũng không quá bi quan, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho rằng, thị trường vẫn có sự phân hóa và nói phục hồi hay chưa thì phụ thuộc vào quan điểm từng người. Còn quá sớm để kết luận thị trường bất động sản đã phục hồi hoàn toàn, dù thanh khoản thời gian gần đây đã rời khỏi đáy. Nhưng cần có thêm thời gian kiểm chứng xem sự phục hồi này đã bền vững chưa hay chỉ là một bull-trap giống như thị trường chứng khoán.

Ở khía cạnh tích cực, nhu cầu đối với bất động sản vẫn còn rất lớn, kể cả ở phân khúc cao cấp. Mối quan tâm của khách hàng cũng ngày càng cải thiện. Nếu như đầu năm 2014, Tân Hoàng Minh tổ chức các cuộc gặp gỡ khách hàng tiềm năng nhưng cả tháng chỉ mời được 50-60 khách, thì càng về cuối năm, lượng khách hàng tham gia ngày càng đông, bình quân 500-600 khách/tháng.

Quan sát từ thị trường cũng cho thấy, giao dịch cũng đã tăng lên, kể cả mua để ở và mua đầu tư. Theo ông Trung, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ, tiết kiệm cũng không còn hấp dẫn và bất động sản, sau một thời gian suy thoái và giá giảm sâu, lại trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng kinh doanh tốt, mà ông Trung cho rằng, những dự án bán được trong thời gian qua đều có vị trí tốt và phần lớn ở trung tâm thành phố, có đầy đủ tiện ích và thuộc những chủ đầu tư uy tín. Còn những dự án ở ven đô, không tiện về giao thông, không đủ cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật thì vẫn ngắc ngoải.

Đây cũng là nhận định của ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức. Theo đó, ông Hiếu, cho rằng, mặc dù Quốc hội đang tập trung sửa đổi nhiều luật, tuy nhiên, tư duy pháp luật còn chưa thông thoáng, không liên thông giữa các bộ, ngành và các luật với nhau.

“Hiện nay cái khó nhất của doanh nghiệp bất động sản vẫn là thể chế, dường như quy định của nhà nước ngày càng phức tạp và khó khăn. Còn có rất nhiều quy định đang làm khó doanh nghiệp như các quy định về ký quỹ, bảo lãnh...", ông Hiếu nói.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đã có sự thanh lọc rõ rệt. Trong thời gian tới, thị trường sẽ thuộc về các doanh nghiệp lớn, đã có danh tiếng và uy tín, còn những doanh nghiệp nhỏ, mỏng vốn sẽ dần bị loại.

Không thể có chuyện nhà nhà đi đầu tư bất động sản, không thể có tới hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản cùng tồn tại, mà thị trường sẽ chỉ còn vài chục doanh nghiệp lớn.

Với tiềm lực và kinh nghiệm vững vàng, các doanh nghiệp lớn sẽ phát triển các dự án chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, tránh được những vết xe đổ mà các doanh nghiệp yếu kém gặp phải thời gian qua. Nhờ đó, tin rằng, thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn.

Một trong những yếu tố ngăn cản đà phục hồi của thị trường bất động sản là nợ xấu trong lĩnh vực này vẫn còn lớn và không thể giải quyết ngày một ngày hai. Một số doanh nghiệp cho biết, họ chưa tin thị trường đã phục hồi vì còn rất nhiều doanh nghiệp đang chật vật tồn tại, nhiều dự án vẫn dở dang. Thậm chí, những doanh nghiệp này cho rằng, những tín hiệu tích cực thời gian qua chỉ là sự tô hồng, còn nhiều dự án chết lâm sàng vẫn chưa thể hồi sinh.

Hệ lụy rõ nét nhất cho cuộc khủng hoảng lan rộng trên thị trường bất động sản suốt mấy năm qua là nhiều dự án ngưng xây dựng. Chính những dự án dở dang này sẽ cản trở đà phục hồi của thị trường bất động sản.

Theo Kinhdoanhnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích