Bài học từ HUD: Dàn trải là nợ

Chủ nhật, 07/06/2015, 14:50
Việc HUD đầu tư các dự án vượt quá năng lực tài chính, quản trị đã dẫn đến chậm triển khai, dở dang, tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của HUD

Nội dung trên do báo cáo Thanh tra Chính phủ kết luận cuối tháng 5, sau khi tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Sai phạm hàng loạt

Kết luận thanh tra do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh ký, kết luận HUD thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.

Từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư trong khi năng lực tài chính, quản trị hạn chế dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, doanh thu thâm thụt, nợ đọng khó thu hồi tăng.

Cùng với đó, HUD còn cố tình “làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên quy mô lớn” khi uỷ quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên.

Kết luận thanh tra cũng chỉ HUD thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh. Việc xác định giá vốn sai dẫn đến xác định giá bán kinh doanh cho dự án thấp hơn mức phải thực hiện, làm giảm doanh thu và kết quả kinh doanh của HUD.

Về quản lý tài chính, HUD còn có nhiều khuyết điểm, vi phạm như bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án Văn Quán - Hà Nội khi chưa quyết toán đúng theo chỉ đạo của Chính phú; chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong quản lý, sử dụng tài sản cố định, đầu tư sau quy hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng tăng căn hộ và tăng sàn chung cư để kinh doanh thu lợi...

Gánh nặng nợ nần

HUD từng là đơn vị đầu tàu trong phát triển nhà ở và đô thị tại Việt Nam trong những năm qua. Cùng với Vinaconex và Sông Đà tạo nên thế “chân vạc” trong kinh doanh bất động sản trong nước.

Thời kỳ hoàng kim, HUD cũng đã gặt hái được rất nhiều thánh tích nổi bật làm thay đổi diện mạo đô thị, được tung hô như những điển hình kinh tế.

Tuy nhiên, như kết luận của Thanh tra Chính phủ, chính đầu tư dài trải trong khi năng lực tài chính, quản trị yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay của HUD cũng như một số công ty thành viên.

Khó khăn về tài chính của HUD thể hiện ở các khoản nợ phải trả của lên tới 6.684 tỷ, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền.

Các khoản nợ nần của HUD không phải chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới lộ ra mà đã được dư luận đặt nghi vấn từ nhiều năm trước, khi vào giữa 2013 bộ Xây dựng đã phải đề nghị bộ Tài chính ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ thay cho HUD khoảng 5,4 triệu USD. Hay khi tỉnh Hà Tĩnh gửi công văn đòi HUD khoản nợ hơn 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4,5 tỷ đồng tiền nợ phạt chậm nộp.

Có một thực tế không chỉ HUD mà nhiều “ông lớn” ở Việt Nam từng gặp: quy mô nhỏ thì lãi lớn, tiến lên tập đoàn lợi nhuận lại thụt lùi. Ví dụ, 2008 HUD lợi nhuận 300 tỷ, nộp ngân sách 250 tỷ; năm 2009 tỷ suất tỷ suất lợi nhuận cũng đạt tới 15,96%. Vậy nhưng khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn, năm 2011 lợi nhuận giảm chỉ còn 4,94% và tiếp tục giảm sâu, lỗ nặng trong những năm tiếp theo và buộc trở mô hình Tổng Công ty.

Rời xa mô hình tập đoàn, trở về với chiếc áo Tổng Công ty, HUD liệu có lấy lại phong độ hay vẫn loay hoay cải tổ, gặm nhấm hào quang quá khứ? Chỉ có điều, khoản nợ ngàn tỷ và những vấn đề cũ chưa dễ xử lý chỉ trong một sớm một chiều.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn