Những nỗ lực điều hành vĩ mô của Chính phủ thông qua các chính sách tiền tệ thắt chặt, các gói kích cầu, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng,...cuối năm 2013 nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.
GDP đang tăng trưởng trở lại và ổn định hơn, điều này có tác động lớn đến thị trường nhà đất. Sau khi trải qua nhiều năm trầm lắng, bong bóng xì hơi và xuất hiện “đáy” vào năm 2012. Những chính sách thắt chặt tiền tệ khiến dòng vốn cho bất động sản gần như “đóng băng”, ở thời điểm đó theo thống kê của NHHN dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ ở mức khoảng 197 nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu phục hồi của vĩ mô, thị trường nhà đất bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2013, dòng vốn tín dụng đã có đà tăng trưởng trở lại.
7,4 tỉ USD từ ngân hàng
Đáng chú ý là kể từ đầu tháng 2 năm 2015, chính sách nới lỏng cho vay bất động sản lại được mở ra. Hệ số rủi ro các khoản khó đòi trong lĩnh vực địa ốc từ 250% giảm xuống 150%, và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 30% lên 60%. Điều này thúc đẩy các ngân hàng "bơm" vốn vào lĩnh vực địa ốc.
Theo Vụ tín dụng (NHNN), tín dụng bất động sản trong năm qua liên tục tăng, hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360 nghìn tỉ đồng.Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197 nghìn tỉ đồng thì các ngân hàng đã “bơm” vào địa ốc khoảng 163 nghìn tỷ (khoảng 7,4 tỉ USD) tương đương tăng khoảng 80%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từng cho rằng, bất động sản Việt Nam đáng chú ý nằm ở con số có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng, 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản.
Vì thế, con số 7,4 tỉ USD so với quy mô thị trường bất động sản Việt Nam là khá lớn. Công ty nghiên cứu thị trường Nomura Research Institute đã từng thống kê hồi năm 2014, cho thấy quy mô thị trường bất động sản Việt Nam ở mức khoảng 21 tỷ USD, thị trường còn nhỏ bé so với một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore.
Vì thế, các chuyên gia kinh tế vẫn đáng giá thị trường địa ốc ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi thị trường này chỉ mới hình thành từ năm 1993 khi Luật đất đai có hiệu lực. Bên cạnh đó, yếu tố dân số vàng với độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm tới 70% tổng dân số, tốc độ đô thị hóa ở mức cao nên kinh doanh bất động sản là ngành rất hấp dẫn.
Quy mô thị trường BĐS Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực |
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng là chính, nguồn tín dụng cho bất động sản còn lại chủ yếu là huy động từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ ODA, đầu tư gián tiếp (FII) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hơn 2,3 tỉ USD từ FDI
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số hơn 20,2 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, đứng thứ ba là lĩnh vực Kinh doanh bất động sản với 29 dự án đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỷ USD chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.
Dự án có số vốn FDI lớn nhất là Empire City có tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD, do Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương –liên doanh giữa Cty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Cty TNHH bất động sản Trần Thái với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh, là chủ đầu tư.
Khoảng 20% từ 12 tỉ USD kiều hối
Kiều hối đổ về Việt Nam tiếp tục tăng qua các năm, năm nay nhiều dự báo con số có thể đạt khoảng 12 tỉ USD. Trong số đó, chắc chắn một phần không nhỏ “chảy” vào bất động sản.
Chưa có một số liệu thống kê chính xác nào về dòng tiền này được dùng vào bất động sản như thế nào. Tuy nhiên, theo NHNN Tp.HCM thì tỷ lệ kiều hối chảy vào bất động sản chiếm khoảng 21,8% tổng lượng kiều hối đổ về Tp.HCM. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hàng năm có khoảng trên 20% kiều hối đổ vào BĐS.
Theo Tri Thức Trẻ