Năm 2016 bất động sản TP.Hồ Chí Minh sẽ bùng nổ?

Thứ ba, 29/12/2015, 14:21
Trong 2 năm 2014 - 2015 diện tích sàn xây dựng mới được cấp phép tăng thêm gần 3,4 triệu m². Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản năm 2015 lên đến 1,5 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Đồng thời, các nhà đầu tư đang đổ vốn vào thị trường này qua kênh mua sỉ căn hộ dự án.
Tăng trưởng ngành xây dựng tại TP.HCM năm 2015 lên đến 10,5% nhờ tiêu thụ bất động sản tăng

Ngành xây dựng tăng trưởng 10,5%, cao nhất trong 5 năm qua

Báo cáo kinh tế xã hội năm 2015 của TP.Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2015 tăng trưởng GDRP của TP cao nhất trong 4 năm qua, đạt mức 9,85% nhờ số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng cao, sản xuất công nghiệp tăng khá, tiêu thụ bất động sản tăng mạnh thúc đẩy hoạt động xây lắp nhận thầu tăng theo, dư nợ tín dụng tăng cao hơn nhiều so với mức tăng năm trước…
Xét tăng trưởng GDRP theo lĩnh vực, ngành xây dựng của TP năm 2015 tăng trưởng đến 10,5%, sau 5 năm ngành xây dựng mới có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng kinh tế chung của TP.
Kết quả tăng trưởng của ngành xây dựng khá phù hợp với sự tăng trưởng của ngành xây dựng dân dụng.
Tính đến ngày 30/11, TP đã cấp 49.944 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn, với diện tích sàn 9.917,4 ngàn m². Trong đó, cấp cho xây dựng mới 49.240 giấy phép, diện tích 9.850,2 ngàn m². So với cùng kỳ năm trước tăng 11,1% về giấy phép và tăng 19,5% về diện tích (hơn 1,62 triệu m²).
Như vậy, chỉ trong 2 năm 2014 -2015, diện tích sàn xây dựng mới được cấp phép tăng thêm hơn 3,3 triệu m² so với năm 2013.
Năm 2016 bất động sản của TP sẽ bùng nổ?
Năm 2015, TP.Hồ Chí Minh ghi nhận mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản đạt 1.497,6 triệu USD, chiếm 53,3% tổng vốn đăng ký mới ( 2.81 tỷ USD), cao nhất trong 5 năm qua.
Không chỉ dừng lại ở vốn FDI, các kênh vốn đầu tư gián tiếp (đối tác nước ngoài đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp bất động sản), kênh vốn khách hàng nước ngoài cũng tăng.
Trong 6 tháng cuối năm 2015, liên tiếp các thương vụ đầu tư vốn vào doanh nghiệp có quỹ đất lớn như  Ibeworth Pte. Ltd một công ty thuộc quyền kiểm soát 100% của Keppel Land Limited, Tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Singapore đã hoàn tất đầu tư 140 tỷ đồng mua 7,1 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư nam Long.
Những thương vụ khác khá nổi ở TP.Hồ Chí Minh là Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư 200 triệu USD vào CTCP Đầu Tư và Phát Triển Bất Động Sản An Gia để mua lại cổ phần của công ty, đầu tư vào dự án theo tỉ lệ 50/50…
Không chỉ dừng lại bằng hình thức rót vốn vào doanh nghiệp thông qua mua cổ phần, các nhà đầu tư nước ngoài còn trực tiếp mua căn hộ trong dự án với khối lượng lớn như trường hợp dự án Diamond Lotus Lake View do Tập đoàn Phúc Khang làm chủ đầu tư được Quỹ đầu tư Providence mua 30% số lượng căn hộ…
Lý giải sức hút của thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ Đầu Tư Creed Group cho rằng, TP.HCM có dân số đông và trẻ, quỹ nhà ở còn khiêm tốn.
Chính sách pháp luật về đất đai thông thoáng đã ban hành như mở cửa cho người nước ngoài mua nhà đã tạo sự minh bạch, sức mua được khơi thông.
Trong khi đó, ông Adam Khoo, nhà đầu tư Singapore đã mua sỉ khối lượng căn hộ lớn ở TP.Hồ Chí Minh để đầu tư cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam còn tiềm năng lớn, nhất là những công trình xanh.
Dĩ nhiên, thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh đã trải qua không ít cú sốc trong quá khứ, những đợt bùng nỗ và bong bóng vỡ, người ta không loại trừ nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản trở lại, khi mà giá nhà ở TP.Hồ Chí Minh ước tính đã tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái.
Nhưng nhìn vào sự đầu tư của TP.HCM cho hạ tầng điện đường, trường trạm trong thời gian gần đây ở khắp các con phố, cũng như kỳ vọng kinh tế TP.Hồ Chí Minh sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới, thị trường bất động sản được dự báo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích