Hạ kế hoạch kinh doanh vì sợ “siết” tín dụng
Những ngày qua, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam “rúng động” khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Dự thảo cũng xếp “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” vào “Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” thay vì hệ số 150% như hiện nay.
Việc Ngân hàng Nhà nước dự định “siết chặt” các khoản tín dụng vào BĐS khiến những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này như “ngồi trên đống lửa”.
Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho rằng, “siết” tín dụng BĐS vào lúc này là bước cản lớn khi thị trường BĐS đang tăng trưởng tốt sau thời gian dài chìm sâu trong khủng hoảng. Giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS mà trên thực tế, có thể tác động bất lợi đến người tiêu dùng…
Nhiều người lo ngại việc siết tín dụng sẽ chặn đà phát triển của BĐS |
Lo ngại về dự thảo Thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước sẽ được thực thi, một số doanh nghiệp đã rục rịch điều chỉnh kế hoạch năm 2016. Những doanh nghiệp khác tìm cách hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Phó Chủ tịch HĐQT một tập đoàn BĐS lớn tại TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp ông đã hạ kế hoạch nhằm tránh những “hệ lụy” nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng BĐS. Theo đó, tập đoàn này sẽ tập trung phát triển và hoàn thành dự án đã công bố, hạn chế mua thêm dự án mới để không tăng dư nợ, bảo đảm thanh khoản, góp phần phát triển bền vững của thị trường BĐS cũng như của công ty.
Năm 2015, tập đoàn này đã tung ra 12 dự án với lượng căn hộ đã bán ra đến 6.000 căn. Tuy nhiên, trong năm 2016, đơn vị này chỉ đặt mục tiêu tung ra thị trường 5 dự án mới với tổng số căn hộ là 4.000 sản phẩm, tập trung các dự án tại khu trung tâm và các sản phẩm nhà phố, biệt thự.
BĐS Việt Nam vẫn “chạy tốt”!
Các doanh nghiệp BĐS có những lo ngại nhất định khi ngân hàng rục rịch “siết” chặt tín dụng để đảm bảo an toàn. Một viễn cảnh “ảm đạm” đã được nhiều người nghĩ đến. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc thay đổi hệ số rủi ro của “khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà ở của Chính phủ. Hay nói cách khác, điều này không ảnh hưởng đến việc cá nhân mua nhà trả góp.
Các chuyên gia tự tin BĐS Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ trong năm 2016 |
Trong báo cáo mới nhất của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Savills nhận định, thị trường BĐS Việt Nam ở hầu hết các phân khúc đều có sự hồi phục mạnh mẽ, đáng chú ý nhất là phân khúc nhà ở. Những biến động kinh tế có thể được xem là rủi ro chính trong ngắn hạn, tuy nhiên nhu cầu nhà ở đang tăng lên của tầng lớp trung lưu lại chính là xu hướng lâu dài. Luật Nhà ở sửa đổi hiện đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực nhà ở, góp phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường mà trước đây chủ yếu đến từ nguồn cầu nội địa.
Phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM và Hà Nội có nguồn cung mạnh và tỷ lệ hấp thụ khá tốt trong năm 2015. Đặc biệt, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng mang lại lợi nhuận lâu dài khi lượng khách du lịch tới Việt Nam tăng.
“Chúng tôi lạc quan về triển vọng thị trường BĐS khi nhìn thấy đà tăng trưởng trong năm 2016. Việt Nam hiện đang là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Trong khi các nước như Indonesia và Philippines đang ở trên đỉnh của chu kỳ BĐS, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn hồi phục trong vòng 12 tháng qua. Hơn bao giờ hết, thời điểm này, các chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều quan tâm đối với thị trường BĐS Việt Nam.
Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm nay cũng như các năm kế tiếp”, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nói.
Theo Dân trí