“Cơn sốt” bất động sản sẽ diễn biến ra sao?

Thứ hai, 16/05/2016, 10:05
Thị trường bất động sản Việt Nam khá nhộn nhịp từ nửa cuối năm 2015 trở lại đây. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là thị trường sẽ duy trì trạng thái này trong bao lâu? Chúng tôi giới thiệu bài viết của ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam

Trong suốt vài tháng qua, Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM vẫn đang trải qua một đợt nắng nóng với nhiệt độ đạt mức kỷ lục, có thể nói thị trường bất động sản (BĐS) cũng lan tỏa sức nóng tương tự.

Nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể trong vòng 24 tháng qua với dự đoán mức tăng trưởng GDP trong năm 2016 đạt 6,8%; nếu đạt được, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ. Lãi suất hiện tại là 8%-9% và lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%.

Trong năm 2015, lượng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 22,8 tỉ USD, tăng 12% so với năm trước. Kiều hối đạt khoảng 13 tỉ USD, với lượng tiền đổ vào BĐS đang tăng lên. Trong 4 tháng đầu năm 2016, thặng dư thương mại đạt 1,5 tỉ USD, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng xuất khẩu. Lượng khách quốc tế tăng vọt lên đến 3,3 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân khúc nhà ở tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội đang nóng

Với nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường BĐS quy tụ các động lực phát triển trong suốt 18 tháng qua, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở tại các thành phố trọng điểm như TP.HCM và Hà Nội. Doanh số bán hàng tại mỗi thành phố được ghi nhận đạt mức cao trong quý I/2016, lần lượt đạt khoảng 9.000 căn hộ và 8.000 căn hộ. Giá thuê văn phòng hạng A tại TP HCM tăng do nhu cầu tăng lên nhưng cung không đủ đáp ứng, tỉ lệ diện tích trống của tất cả phân khúc văn phòng giảm xuống còn 6%, đây là mức đã đạt được hồi quý IV/2008.

Thị trường bán lẻ vẫn là một phân khúc phát triển chưa đồng đều với một số trung tâm hoạt động tốt, đáng chú ý như là VivoCity, Cresent, Lotte, Aeon, và Trung tâm Sài Gòn 2 được dự báo sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2016, có khách thuê chính là Takashimaya. Nhiều thương hiệu quốc tế mới đang tìm cơ hội gia nhập vào thị trường như Zara, H&M. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang hồi phục với nhiều khách sạn trong khu vực trung tâm ghi nhận công suất hoạt động cao và nhiều nhà điều hành quản lý mới cũng đang gia nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

Hoạt động của phân khúc BĐS công nghiệp cũng được cải thiện với nhiều công ty đang có ý định vào Việt Nam, nhờ vào chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng đang ổn định. Phân khúc này sẽ còn được đẩy mạnh hơn khi một số ký kết thương mại có hiệu lực, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có thể nói Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận TPP trong vòng 5-10 năm tới.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tâm điểm đến Việt Nam với nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam. Nhiều giao dịch hiện đang được tiến hành ký kết và dẫn đầu là các tập đoàn đến từ Nhật Bản.

Một mặt nào đó, thị trường BĐS cũng giống như thời tiết, chúng ta đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhưng chúng ta cũng biết rằng một thời điểm nào đó mùa mưa rồi sẽ đến và không khí cũng sẽ mát mẻ hơn. Nhìn lại 26 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 chu kỳ phát triển thị trường. Và tôi sẽ để lại bài toán này cho các bạn tự xem xét!

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn