Vi phạm xây dựng tại Bình Chánh: Sai từ cấp phép tới xử lý!

Thứ tư, 11/05/2016, 10:12
Lãnh đạo TP.HCM không đồng ý với mức độ xử lý cán bộ của huyện Bình Chánh và chỉ đạo huyện, xã phải tổ chức kiểm điểm lại.

“Đến giờ này tôi chưa chính thức nhận được Công văn số 2088 của UBND TP.HCM nhưng đã nắm được tinh thần. Khi nhận được công văn, chắc chắn tôi sẽ triển khai thực hiện các nội dung theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo TP” - ngày 10-5, ông Võ Văn Quận, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nói với Pháp Luật TP.HCM.

Có dấu hiệu “bao che sai phạm”

Trước đó, ngày 6-5, UBND TP có công văn kết luận về nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động xây dựng tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (xem bài “Cán bộ thanh tra bị tố nhận 50.000 USD” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 10-5).

Công văn của TP nêu rõ: Tại xã Đa Phước, các ông bà Đặng Ngọc Hân, Đặng Hùng Cường và Dương Văn Hải đã xây dựng sai phép 22 công trình, xây dựng không phép hai căn nhà xưởng và chia nhỏ thành nhiều căn nhà ở để chuyển nhượng không hợp pháp cho các hộ dân.

Qua kiểm tra, việc cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương thực hiện không đúng quy định. Cụ thể, UBND xã Đa Phước vận dụng Quyết định 135/2007 và Quyết định 45/2009 của TP về quy định kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu để cấp phép xây dựng cho nhà ở tại khu vực nông thôn cho các trường hợp trên là không phù hợp đối tượng.

Chẳng những vậy, xã còn áp dụng sai nội dung của hai văn bản này. Theo Quyết định 135 và Quyết định 45, lộ giới tuyến đường từ 6 m trở lên thì nhà hai bên đường mới được vươn ban công. Tuy nhiên, khi cấp phép xây dựng các thửa đất này, UBND xã Đa Phước yêu cầu chừa đường lưu thông giữa hai dãy nhà chỉ 4m nhưng lại cấp phép ban công vươn ra mỗi bên 1m làm thu hẹp không gian bên trên chỉ còn 2m.

Dãy nhà của ông Cường có ban công vươn ra chiếm không gian 1m.

Xã thừa nhận cấp phép sai

Về kết luận nêu trên, ông Đỗ Văn Kề, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, giải thích với Pháp Luật TP.HCM: Các công trình của bà Đặng Ngọc Hân, ông Đặng Hùng Cường và ông Dương Văn Hải đều có giấy phép xây dựng do UBND xã cấp và đã tiến hành xây dựng.

Đối với công trình của bà Hân, dù lộ giới đường đi chỉ 4m nhưng xã cho mở ban công 1,2m là không đúng quy định. Tuy nhiên, do cán bộ xã tham mưu sai nên công trình vẫn được cấp phép xây dựng. Công trình của ông Cường cũng tương tự bà Hân.

Trong khi đó ông Hải xây dựng lố diện tích so với giấy phép xây dựng được cấp và xã đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ. Sau đó, huyện có ý kiến chỉ đạo không cho phép tồn tại nên xã dự kiến sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 6.

“Hiện huyện đang xin ý kiến của TP về việc có cho tồn tại công trình của bà Hân và ông Cường hay không. Vì trên thực tế bà Hân và ông Cường xây đúng giấy phép nhưng do xã cấp sai” - ông Kề nói.

Cũng theo ông Kề, UBND xã đã kỷ luật khiển trách cán bộ địa chính xã, người tham mưu cho chủ tịch xã cấp giấy phép xây dựng cho bà Hân, ông Cường và ông Hải; phê bình ông Nguyễn Văn Thành, nguyên chủ tịch UBND xã (là người ký quyết định cấp phép sai). Tuy nhiên, TP không đồng ý với mức độ xử lý trên và chỉ đạo huyện, xã phải tổ chức kiểm điểm lại.

“Tôi làm sai nhưng không tiêu cực”

Cũng tại Công văn 2088, TP cho rằng công văn của UBND huyện do ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chánh Văn phòng UBND huyện, ký (thừa lệnh chủ tịch UBND huyện Bình Chánh), cho tồn tại các công trình sai phép, không phép, vượt mật độ của ba cá nhân trên là không đúng quy định tại Nghị định 121/2013, chưa đúng thẩm quyền. Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách đô thị, ông Nguyễn Văn Trường, cũng “thực hiện không đúng thẩm quyền” vì chưa xin ý kiến chủ tịch UBND huyện mà đồng ý để chánh Văn phòng UBND huyện ký công văn trên.

Về việc này, ông Huỳnh Văn Phạm Hồng lý giải: “Trước đây những văn bản hành chính khi trình ký, chuyên viên sẽ trình phó chủ tịch phụ trách mảng xem qua. Sau khi phó chủ tịch thông qua sẽ giao cho chánh văn phòng ký. Đối với hai văn bản trên tôi nghĩ cũng giống như văn bản thông thường nên cũng làm theo quy trình trên. Mặt khác, vì muốn đẩy nhanh tiến độ báo cáo lên UBND TP nên tôi chưa xin ý kiến của chủ tịch huyện”.

Cũng theo ông Hồng: “Với kết luận của UBND TP, tôi xin nghiêm túc nhận sai sót và xin rút kinh nghiệm. Khi ký hai văn bản trên tôi dựa theo báo cáo của UBND xã Đa Phước và những văn bản khác của phòng chuyên môn. Tôi xin khẳng định không có tiêu cực mà chỉ sai quy trình về thẩm quyền ký văn bản”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy việc cho phép những công trình trên tồn tại có đúng với quy định pháp luật? UBND huyện dựa vào những quy định nào để ra công văn trên? Ông Hồng trả lời: Muốn rõ đúng sai phải chờ kết luận của Sở Xây dựng.

Ban công vươn ra 1m

Theo ghi nhận trong ngày 10-5, bốn căn nhà liền kề của ông Hải đang trong quá trình xây dựng, mỗi căn hai tầng. Hiện công trình đã hoàn thiện phần thô. Tại công trình không có công nhân xây dựng.

Trong khi đó, dãy nhà của ông Cường (được thiết kế dạng nhà phố gồm tám căn liền kề, mỗi căn đều có số nhà riêng biệt) đã xây dựng hoàn tất. Ban công của các căn nhà này vươn ra chiếm không gian đường đi hơn 1m. Sáu căn nhà của bà Hân cũng có kết cấu tương tự dãy nhà của ông Cường.  

Theo PLO

Các tin cũ hơn