TP.HCM xử nhà công vụ sai mục đích: Có dám đụng chạm?

Thứ năm, 20/04/2017, 11:17
Chủ trương thu hồi nhà công vụ sai mục đích của TP.HCM là đúng đắn tuy nhiên việc này sẽ động chạm đến lợi ích của một số nhóm đối tượng.

Chủ trương đúng đắn

UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn năm 2016-2020.

Theo đó, Thành phố sẽ thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí.

Đặc biệt, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ thu hồi 100% nhà công vụ dùng không đúng mục đích, đối tượng.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Xanh đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM trong rà soát việc sử dụng các nhà công vụ trên địa bàn. Theo ông Đực nếu siết chặt được tình trạng này, thành phố sẽ có thể thu hồi phần tài sản được dùng không đúng mục đích, đem bán đấu giá hoặc chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị khác sử dụng.

TP.HCM thu nhà công vụ sai mục đích

Ông Đực cho biết, nhà công vụ hiện nay được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là tài sản của nhà nước giao cho một cơ quan, đoàn thể hay một tổng công ty, tập đoàn nào đó của nhà nước hay công ty của nhà nước đã cổ phần hóa hết. Đây là loại nhà công vụ để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hay làm văn phòng dịch vụ. Loại thứ hai là nhà giao trực tiếp cho các cá nhân, cán bộ nhà nước dùng vào mục đích ở, sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên theo nhận định của ông Đực hiện nay trên địa bàn TP.HCM tình trạng nhà công vụ bị sử dụng sai mục đích khá nhiều và phổ biến.

Ông dẫn chứng: “Nhà công vụ sử dụng sai mục đích có rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn như nhà nước giao tài sản cho một cán bộ A để ở, tuy nhiên vị này có một căn nhà khác nên không ở mà cho một người khác thuê lại, hay người này ở tầng trên còn tầng dưới cho thuê. Đây cũng là một dạng sử dụng sai mục đích.

Tiếp đến là trường hợp, nhà nước giao tài sản cho một công ty, một tập đoàn hay là một ban, ngành nhà nước làm địa điểm kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên các đơn vị được giao không hoạt động theo chức năng được phê duyệt. Có thể họ chỉ sử dụng một phần mặt bằng còn lại thì cho đơn vị khác thuê để làm quán cà phê, quán nhậu hay văn phòng...”.

Có dám đụng chạm?

Dù khẳng định chủ trương của TP.HCM là đúng đắn và cần thiết vào thời điểm này, tuy nhiên theo đánh giá của ông Đực, từ quyết tâm đến thực hiện sẽ còn rất nhiều những khó khăn.

Chủ tịch Công ty địa ốc Xanh kể lại câu chuyện được chứng kiến từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đương chức.

Theo ông Đực, thời điểm đó, Thủ tướng đã chỉ đạo lập văn phòng chính phủ tại TP.HCM. Ý định của Thủ tướng là tập hợp tất cả các Bộ về một chỗ cho thống nhất. Phần đất đai, công sở còn lại sẽ giao trả lại cho nhà nước hoặc TP.HCM quản lý để tránh lãng phí mặt bằng.

“Có một số đơn vị chiếm nhiều diện tích đất của nhà nước như Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp. Tuy nhiên ý tưởng này không được các Bộ ủng hộ nên tòa nhà khi đang xây dở dang đã phải dừng lại. Cuối cùng chúng ta phải bán lại địa điểm này cho dầu khí và tiếp tục tồn tại tình trạng mỗi Bộ, ngành sở hữu một số vị trí đất công vụ riêng. Họ có thể xây dựng trụ sở hoặc giao cho đơn vị kinh doanh, khai thác”, ông Đực nhớ lại.

Đối với quyết tâm của TP.HCM hiện nay, vị chuyên gia khẳng định, việc thu hồi phần nhà công vụ hay đất công vụ sử dụng sai mục đích sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

“Một phần vì đã mất mát diện tích khá nhiều. Mỗi cơ quan, Ban ngành đều xây dựng cơ sở, mặt bằng riêng để sử dụng. Thứ hai việc thu hồi này sẽ động chạm đến lợi ích rất lớn của các Bộ, ngành, cơ quan. Trước đây thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khó xử lý như vậy thì đến lượt lãnh đạo TP.HCM lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chắc chắn sẽ đụng chạm rất nhiều. Quan trọng là những người đứng đầu có dám làm quyết liệt và mạnh mẽ hay không?”, ông Đực nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần phải tổ chức thống kê, khảo sát kiểm định lại những khu đất, những nhà công vụ xem tình trạng sử dụng ra sao.

“Dứt khoát tài sản của nhà nước phải thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Không thể để các Bộ, ban, ngành sử dụng sai mục đích. Với những nhà công vụ thu hồi nhà nước sẽ tiến hành bán đấu giá, bán ra công cộng để lấy nguồn kinh phí.

Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ có một ngân sách cực kỳ lớn để giải quyết vấn đề tài chính quốc gia, lạm phát, vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công...

Đây là một chủ trương đúng đắn. TP.HCM cũng như Trung ương cần phải quyết liệt và chấp nhận va chạm khi đụng đến các nhóm lợi ích”, ông Đực nêu quan điểm.

Định nghĩa không rõ ràng

Theo TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, vấn đề nhà công vụ đã được nói đến từ lâu. Thời điểm tháng 11/2006, tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ tài chính khi đó là Vũ Văn Ninh. Phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề nhà công vụ và ngân sách, chưa làm hài lòng các ĐB.

“Đến thời điểm này, định nghĩa nhà công vụ,nhà công sản chưa rõ ràng. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Các địa phương như Hà Nội, TP.HCM còn bao nhiêu nhà công vụ như thế vẫn là con số bí mật, chưa công khai.

Tôi nghĩ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phải công bố các con số đó. Có bao nhiêu nhà và nhà giao cho ai sử dụng, có đúng theo luật pháp của Việt Nam hay không? Từ đó mới có cơ sở để xem xét tiếp”, ông Phúc khẳng định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn