Mục đích và thực tế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sach tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo dự thảo này, chủ đầu tư vay xây nhà ở xã hội, người vay thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, vay sửa chữa nhà tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (hoặc ngân hàng được chỉ định), theo Nghị định 100/2015 sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù phần lãi suất chênh lệch.
Chính sách nhà ở xã hội đang chú trọng tạo điều kiện cho bên cung |
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, lẽ ra cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất nói trên chỉ nên áp dụng cho những người có nhu cầu mua nhà. Trong khi đó, đối với bên cung, rất khó kiểm soát được họ làm gì với số tiền được ngân hàng cho vay.
"Tôi không tán thành chính sách hiện tại về nhà ở xã hội nên cũng không tán thành dự thảo nói trên. Chính sách nhà ở xã hội là chính sách xã hội nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn về nhà ở theo quy định của Nhà nước được thực hiện quyền có chỗ ở hợp pháp ghi trong Hiến pháp.
Tuy nhiên, chính sách nhà ở xã hội của Việt Nam hiện tại còn tồn tại nhiều nhược điểm, trong đó điều quan trọng nhất là chính sách ấy lại chú trọng tạo điều kiện cho bên cung nhằm thu hút họ đầu tư phát triển loại nhà ở giá rẻ để cung ứng cho các đối tượng chính sách đang thiếu nhà ở.
Chúng ta hướng là giúp cho bên cầu - người có nhu cầu về nhà ở, nhưng trong thực tế lại giúp cho bên kinh doanh - các doanh nghiệp bất động sản", TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Liêm cho biết, năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đình chỉ chế độ phân phối nhà ở theo lối bao cấp và xây dựng hệ thống cung ứng nhà ở mới, bao gồm: nhà ở thương mại để bán và cho thuê cho các hộ thu nhập cao; nhà ở kinh tế thích dụng để bán cho các hộ thu nhập trung bình và thấp; nhà ở cho thuê giá rẻ cho hộ thu nhập thấp nhất.
Tương tự nhà ở xã hội Việt Nam, nhà ở kinh tế thích dụng thuộc loại nhà chính sách nhằm giải quyết chỗ ở cho các tầng lớp thu nhập trung bình và thấp, do chính quyền thống nhất lên kế hoạch đầu tư, các công ty bất động sản đầu tư phát triển để bán, đất được cấp theo quyết định hành chính hoặc thông qua đấu thầu nhưng đều được miễn tiền sử dụng đất, dự án được giảm một nửa tất cả các loại thuế và phí, nhà bán theo giá chỉ đạo, suất lợi nhuận không được quá 3%.
Nhờ được hưởng ưu đãi nên giá nhà kinh tế thích dụng chỉ bằng 50-70% giá nhà thương mại tại cùng địa phương.
Với chính sách này, trong 5 năm 1998-2003, Trung Quốc đã xây dựng 477 triệu m2 nhà kinh tế thích dụng, giải quyết chỗ ở cho 6 triệu hộ. Ước tính, năm 2004, Nhà nước Trung Quốc trợ cấp qua ưu đãi không dưới 1.000 nhân dân tệ cho mỗi m2.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Nhà kinh tế thích dụng trở thành mục tiêu nhòm ngó của các quan chức, nên tại khu đô thị mới Thiên Thông Uyển của Bắc Kinh, căn hộ loại này rộng tới 180m2, dưới nhà đỗ toàn xe con sang trọng, còn trên thị trường chợ đen thì để mua một căn hộ phải chi thêm khoảng 10-20 vạn tệ.
Tiếp theo đó là vấn đề xếp hàng khốn khổ để mua. Nếu theo cơ chế thị trường, khi cầu vượt cung quá nhiều thì giá cả tăng lên để điều tiết quan hệ cung cầu, nhưng nhà ở kinh tế thích dụng lại là hàng hóa phi thị trường. Vì vậy, cơ chế điều tiết chỉ còn là xếp hàng, ai đến trước mua trước.
Cũng từ đây, nảy sinh một loạt tệ nạn khác như xếp hàng thuê để kiếm sống, xã hội đen chen ngang và đặc biệt là tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ của quan chức.
"Như vậy, giúp cho bên cung không đảm bảo đến được với bên cầu. Mục tiêu của chính sách nhà ở xã hội Việt Nam là giúp bên cầu nhưng lại thông qua bên cung, họ làm nhà xong bán cho ai không kiểm soát được. Thực tế cho thấy, chỉ một tỷ lệ rất ít đến được đúng đối tượng, còn lại phần lớn ai đó hưởng hết", TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Bởi vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ, Nhà nước muốn cấp bù chênh lệch lãi suất thì nên áp dụng với những người vay mua nhà và nên tạo điều kiện cho thị trường sản xuất loại nhà ở rẻ tiền, là nhà ở thương mại, ai mua cũng được. Nhà ấy phải có chất lượng, vừa tiền và vị trí phù hợp với nhu cầu kiếm sống.
Chủ đầu tư vay làm gì, kiểm soát sao được?
Nói thêm về nhận định, đối với cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất, Nhà nước chỉ kiểm soát được người vay, còn họ vay làm gì rất khó kiểm soát, TS Phạm Sỹ Liêm ví dụ: khi xây một tòa nhà 100 căn hộ, chủ đầu tư chỉ bán 10 căn hộ cho người đúng thu nhập thấp, còn 90 căn hộ bán cho người thu nhập không thấp, việc ấy Nhà nước khó biết mà kiểm soát.
"Cấp bù lãi suất chênh lệch lãi suất chỉ là một trong nhiều cách Nhà nước giúp cho các doanh nghiệp bất động sản. Những doanh nghiệp này được hỗ trợ về đất đai, hạ tầng, làm đường sá, dẫn điện, nước... Nhiều doanh nghiệp cứ nhân danh ở nhà ở xã hội để hưởng mọi thứ, nhưng lúc bán để kiếm lợi nhuận thì họ bán cho ai không ai biết được.
Không phải doanh nghiệp gian lận mà bởi họ làm kinh doanh, cái gì nhiều lợi nhuận thì làm.
Nhà nước không nên hỗ trợ kiểu đó, đã kinh doanh thì nên theo thị trường, Nhà nước hãy giúp đỡ trực tiếp cho người nào cần mua nhà và hãy ra thị trường mà mua", ông Liêm kết luận.
Theo Đất Việt