|
Ngày 8/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết đã giao Sở GTVT xem xét đề xuất của liên danh các nhà đầu tư về việc triển khai xây dựng tuyến đường trên cao nối từ sân bay Tân Sơn Nhất ra tuyến đường Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay.
Đề xuất này đã được Sở GTVT gửi đến các sở ban ngành liên quan để xem xét, lấy ý kiến góp ý trước khi trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Theo đề xuất của liên danh các nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á, tuyến đường có tổng chiều dài 3.240m. Từ điểm đầu là sảnh nhà ga quốc tế T2, tuyến đường trên cao có hướng tuyến chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long rồi đi dọc tuyến đường này vượt qua đường Phan Thúc Duyện, qua công viên Hoàng Văn Thụ chia làm hai nhánh lần lượt kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi.
Dự án có tổng dự toán ban đầu là 2.600 tỉ đồng, được các nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách TP.HCM hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ đồng, phần còn lại (2.150 tỉ đồng) hoàn vốn bằng quỹ đất.
Việc kết nối sảnh đi nhà ga quốc tế, nhà ga quốc nội với hệ thống đường trên cao sẽ tạo thuận lợi cho xe lưu thông ra khỏi khu vực sân bay trong thời gian nhanh nhất.
Cụ thể: Các nút giao với đường Thăng Long giúp xe từ khu nhà ga T1, T2 lưu thông ra khỏi sân bay theo hướng Tây của TP tại lối ra trên đường Thăng Long kết nối với đường Cộng Hòa. Các phương tiện cũng có thể thoát ra khỏi sân bay từ khu nhà ga lưỡng dụng đi vào trung tâm TP.HCM qua tuyến đường trên cao tại nhánh vào trên đường Phan Thúc Duyện sau khi vượt qua nút giao bằng với đường Thăng Long.
Dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc cho khu vực bên ngoài sân bay nếu kết nối với tuyến đường trên cao số 1 sẽ đầu tư trong tương lai. Theo đại diện Sở GTVT, tuyến đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất là dự án mới đang được tính toán bổ sung, ngoài quy hoạch 5 tuyến đường trên cao đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Liên danh các nhà đầu tư cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho việc thực hiện dự án, như các dự án chỉ định nhà đầu tư đang triển khai.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số cơ chế như áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho nhà nước với 24 dự án, trong đó có dự án xây dựng đường trên cao số 1.
Theo UBND TP.HCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải có tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao (với tổng chiều dài là 70,7km) nhưng đến nay chưa tuyến nào được đầu tư. Hiện nay các phương tiện lưu thông qua khu vực trung tâm thành phố, các tuyến trục, vành đai phải giao cắt với các tuyến đường giao thông đô thị nên dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Tuyến đường trên cao số 1 qua địa bàn các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh với chiều dài 9,5km; quy mô 4 làn xe (17,5m) với tổng mức đầu tư dự kiến là 17.500 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong