Sốt đất tại TP.HCM: Sự thật tin đồn quy hoạch

Thứ sáu, 05/05/2017, 09:34
Theo ông Lê Hoàng Châu, trong năm 2017 không có nguy cơ xảy ra bong bóng trên toàn bộ thị trường bất động sản như năm 2007.

Thời gian qua, giá đất nhiều quận, huyện ở TP.HCM đồng loạt lên cơn sốt, tăng 30-40%. Thậm chí có khu vực tăng hơn 100% do có tin đồn quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.

Trao đổi với PV về cơn sốt này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho hay, hiện nay không hề có cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận đang có quy hoạch huyện lên quận, sáp nhập các quận thành thành phố mới.

Nhiều khu vực ngoại thành TP.HCM giá đất tăng.

"Hiệp hội BĐS TP.HCM được thông tin chính thức từ lãnh đạo TP cho biết, hiện nay không hề có đề án nào chuyển huyện Bình Chánh, hoặc huyện Hóc Môn thành quận trong thời điểm này. Cũng không có đề án sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một", ông Lê Hoàng Châu khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong năm 2017 không có nguy cơ xảy ra bong bóng trên toàn bộ thị trường BĐS như năm 2007. Tuy nhiên, trong phân khúc đất nền, đặc biệt là phân khúc tách thửa, phân lô hộ lẻ, kể cả phân lô tự phát đất nông nghiệp có nguy cơ xảy ra sốt ảo giá đất.

"Phân khúc này đang bị đẩy giá lên một cách vô tội vạ bởi giới đầu cơ, cò đất và đầu nậu. Cò đất, đầu nậu đầu cơ giá đất ở phân khúc đất nền phân lô, tách thửa, kể cả những đất không có đầy đủ giấy tờ, giao dịch bằng viết tay. Điều này rủi ro rất lớn đối với những nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, những người đầu tư lướt sóng.

Có những người hưởng lợi rất lớn, đó chính là giới cò đất, đầu nậu và đầu cơ ở phân khúc này. Còn người tiêu dùng mua vì nhu cầu thật phải hết sức thận trọng vì nền nhà mình mua phải đảm bảo yếu tố pháp lý - phải có sổ đỏ, giấy phép xây dựng", ông Lê Hoàng Châu nói.

Vị chuyên gia BĐS cũng cảnh báo, những thửa đất được phân lô để bán nền thường chỉ có hạ tầng tối thiểu. Chẳng hạn, chỉ có đường trục và một số đường ngang trong đó, tức đường kiểu xương cá, rồi người ta phân lô nền mà không có tiện ích như khu y tế, hoặc trường học, khu vui chơi giải trí, công viên... Chất lượng sống ở khu vực đó không đảm bảo và không bền vững.

Nếu người dân có nhu cầu vào những khu vực đó mà có giấy phép xây dựng, sổ đỏ thì có thể mua, thậm chí có thể kinh doanh, mua rồi chờ giá cao bán lại, nhưng với điều kiện không bị áp lực bởi vốn vay hoặc trả lãi cao.

Còn những người có nhu cầu mua để ở thì phải thận trọng, cân nhắc chỗ này. Còn những nhà đầu tư thứ cấp, lướt sóng thì có rủi ro rất lớn.

Hiện tại, để chống lại tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, một số địa phương như tỉnh Đồng Nai đã quyết định dừng tách thửa, phân lô, TP.HCM đang chuẩn bị sửa đổi Quyết định 33/2014 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa.

"Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng có văn bản góp ý trực tiếp về Quyết định 33 của UBND TP để góp phần ngăn chặn tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan bởi đây là vấn đề rất quan trọng.

Dường như có sự nhầm lẫn trong chuyện này bởi theo quy định của Luật Đất đai, cho phép giao đất ở theo hạn mức ở nông thôn đối với trường hợp một hộ nông dân có đông người, xin chuyển đổi mục đích sử dụng của một số thửa đất ruộng để con cháu trong gia đình lấy đất làm nhà chứ không có nghĩa phân lô cả một thửa đất nông nghiệp để bán đi.

Còn đất ở đô thị, chỉ phân lô tách thửa đối với trường hợp là đất ở đô thị hoặc đất ở trong khu vực đã được quy hoạch là đất ở đô thị", ông Châu cho biết.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn