Sốt đất quận 9: Người dân nên đến quận nắm thông tin trước khi mua

Thứ tư, 10/05/2017, 17:21
Lãnh đạo quận 9 xác nhận có tình trạng sốt đất ở nhiều khu vực trên bàn, người mua nhà đất nên đến quận, phường tìm hiểu hiện trạng đất cũng như thông tin liên quan đến quy hoạch.

Trái với sự im ắng của đại dự án khu đô thị mới Đông Tăng Long ngay bên cạnh, khu vực trục Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9) đang “sôi sùng sục” với các dự án phân lô hộ lẻ.

Lý giải cho mức giá “ngộp thở” lên đến hơn 40 triệu, thậm chí mặt tiền đường lên đến 60 triệu/m2 đất tại đây, nhiều đơn vị kinh doanh cho biết để đón đầu trung tâm hành chính quận 9 sẽ dời về đây. Viễn cảnh nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội nhanh chóng mọc lên sẽ biến Lò Lu thành một khu vực phát triển rực rỡ, hoành tráng hơn rất nhiều so với trục Lê Văn Việt hiện nay.

Tưng bừng phân lô bán nền

Thực tế, mặt tiền đường Lò Lu phần lớn là các khu dân cư hiện hữu nên đất trống không còn nhiều. Người dân ở đây cho hay đất ở khu vực này đã tăng giá từ hơn 2-3 năm trước, cùng với nhiều đường khác như Võ Văn Hát, Bưng Ông Thoàn… để đón đầu các dự án như cao tốc Long Thành- Dầu Giây, khu công nghệ cao…

Một dự án đất nền trên đường Lã Xuân Oai.

Tuy nhiên, giá đất tăng khi đó cũng chỉ lên đến mức 10-12 triệu đồng/m2. Giá bắt đầu tăng khủng khiếp từ đầu năm nay, khi bỗng dưng nhiều công ty bất động sản đổ về đây làm dự án phân lô rầm rộ, nhiều thông tin lan truyền kiểu úp mở về tương lai rực rỡ của khu vực này.

Còn thông tin trung tâm hành chính quận 9 sẽ chuyển về đây thì người dân đã được biết từ vài năm trước, nhưng từ khi có quy hoạch thì lại không có chuyện sốt đất.

Mặt tiền đường Lò Lu không còn nhiều đất trống nhưng vào sâu khoảng 20-30m là những vùng đất rộng bao la. Dấu vết bưng biền vẫn còn nhiều dù các công ty bất động sản đang nỗ lực san lấp. Và khu vực này mới chính là điểm nóng mua bán đất nền sôi động.

Đường số 8 là một đường nhánh của đường Lò Lu, rộng 6-8m và chỉ rải sỏi nhưng có rất nhiều dự án đất nền. Nhân viên các công ty bất động sản đưa bảng hiệu, bàn ghế ra ngồi giữa đường chào mời khách. Chúng tôi đến một khu đất có hai căn nhà vừa hoàn thiện, vẫn còn dàn giáo chưa chuyển đi.

Chủ nhà tên Hạnh nhiệt tình cho biết nền đất diện tích 50m2 đã mua từ giữa năm ngoái với giá 860 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi cũng mua qua hai tay chứ không mua trực tiếp của chủ đất. Cả dãy này khoảng 8 lô đều đã bán hết, nhưng chỉ có hai nhà xây thôi, còn lại sang qua đến 4-5 người, lô bên cạnh tôi giờ kêu giá 1 tỷ 50 triệu đồng”, chị Hạnh nói.

Một số tuyến đường tại điểm nóng bất động sản này vẫn chưa được mở rộng hoặc tráng nhựa khiến giao thông khó khăn.

Đối diện nhà chị Hạnh là 5 căn nhà một trệt một lầu, diện tích 54m2 có giá 1,7 tỷ đồng. Chị Hạnh cho biết đó là dự án của một công ty bất động sản, tuy nhiên 1,7 tỷ đồng mới chỉ là “xác nhà”, muốn ở được phải hoàn thiện cầu thang, bếp, nhà vệ sinh và nội thất.

Ngoài nhà xây sẵn, công ty này còn nhiều lô đất nền bán với giá 21-23 triệu đồng/m2, có lác đác vài hộ đang xây dựng nhà ở.

Giá đất tăng phi mã khiến không chỉ doanh nghiêp mà người dân tưng bừng phân lô. Bảng bán đất cắm khắp nơi với giá 700-800 triệu/nền 50m2 nhưng khi hỏi đến thì phần lớn là đất “ba chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và số nhà).

Để thị trường điều tiết

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9, cho biết quận cũng nắm được chuyện giá đất tại một số khu vực của quận 9 tăng mạnh thời gian gần đây. Đây là chuyện thị trường, để thị trường điều tiết, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp.

Chi chít các biển báo rao bán đất nền ờ quận 9.

Còn chuyện quy hoạch trung tâm hành chính quận tại phường Trường Thạnh đã có từ 10 năm trước, đến nay vẫn không thay đổi gì. Thời gian gần đây quận cũng không có thông tin gì mới nên các thông tin liên quan đến chuyện di dời trung tâm hành chính là không có căn cứ, có thể do giới đầu cơ, cò đất lợi dụng để thổi giá.

Một điều đáng chú ý nữa là khu vực này hạ tầng cũng chưa khang trang, chưa được đầu tư nhiều, lại khá xa nên mức giá 30-40 triệu/m2 là xa hơn giá thực của thị trường mà người mua để ở phải cân nhắc.

Theo ông Tuấn Anh, muốn mua để ở người dân cần phải xem xét mức giá đó đã hợp lý chưa. Mua mảnh đất vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng nên phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin từ phía chính quyền địa phương các cấp.

“Người mua đất, dù là mua để ở hay đầu tư thì cũng phải xem xét kỹ, và cần thiết phải tham khảo thông tin qua quận, phường. Muốn tìm hiểu thông tin gì về quy hoạch, hạ tầng, tình trạng đất...  bà con cứ đến quận, phường. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp các thông tin liên quan đến hiện trạng đất. Khi đã nắm kỹ thông tin thì mới nên cân nhắc mua hay không”, ông Tuấn Anh nói.

Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đất mình đội giá như vậy!

Ông Ba Đạt là một người dân cố cựu ở đây, cho biết năm ngoái ông đã bán hai miếng đất khoảng 8.000m2 cho một công ty bất động sản. Căn nhà của ông vẫn còn trên đất vì công ty vừa san lấp vừa bán nền.

“Đất đó tôi đã đóng tiền chuyển thổ cư, đã bơm cát san nền, bán với giá 5 triệu đồng/m2. Tôi cũng biết là giá đó rẻ vì hồi đó khu vực này đã sốt đất rồi nhưng bán miếng lớn thì đâu ai mua, chia bán lẻ tẻ, thủ tục này nọ tôi không làm được nên chấp nhận bán cho công ty.

Công ty mua xong họ chia lô, lấy cát mà tôi đã bơm nền để làm đường. Có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng miếng đất của mình lại có ngày leo lên mức giá cao ngất ngưởng như vậy", ông Đạt nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn