Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đề xuất, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được quy hoạch với 80-85 vị trí đỗ (hiện nay có 50 vị trí đỗ), đáp ứng khai thác các loại máy bay.
Đối với khu hàng không dân dụng, sử dụng hệ thống nhà ga hành khách hiện hữu với công suất khoảng 28 triệu khách/năm và quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách lên 43-45 triệu khách/năm.
Ước tính, tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch khoảng hơn 19,3 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp và vốn vay…
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT giao Tông Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và tự ứng vốn, thu xếp vốn đầu tư đối với hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn. Vốn sẽ được hoàn từ vốn nhà nước.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã "vỡ" công suất thiết kế và đang cần được cấp thiết "giải cứu |
“Đón đầu” dự án nhà ga T4, nhiều nhà đầu tư lớn đã ngỏ ý bằng văn bản tới Bộ GTVT với mong muốn được chi tiền kinh doanh hàng không, gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP), Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (Liên danh AHT-TJC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Vietjet…
Trong danh sách nói trên, IPP khiến nhiều người chú ý bởi sự nổi tiếng gắn với tên tuổi của “ông vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn và cựu diễn viên Thủy Tiên. Trước đây, Jonathan Hạnh Nguyễn cũng là doanh nhân từng có ảnh hưởng lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines.
Hiện Tập đoàn IPP là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng, IPP là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh - Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. IPP cũng là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), “ông vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn cũng vừa được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị của SASCO. Năm 2015, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đề nghị Bộ GTVT đồng ý cho “mua” hoặc chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc.
Trong khi đó, Liên danh AHT-TJC là đơn vị thực hiện dự án đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa đầu tiên của ngành hàng không với công trình nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng - công trình phục vụ Hội nghị APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức, AHT-TJC đặt mục tiêu thi công dự án trong khoảng 16 tháng, rút ngắn hơn 1 nửa thời gian so với các dự án thông thường.
Sự quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến ngày thường hành khách cũng phải xếp hàng dài |
Đề xuất lên Bộ GTVT về mong muốn đầu tư nhà ga T4 Tân Sơn Nhất, Vietnam Airlines tham vọng dự án sẽ giúp doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không.
Phía Vietjet thì muốn đầu tư T4 với mục đích cùng Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất.
Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách thông quan. Dự kiến, năm 2017 sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này.
Giới phân tích cho rằng, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất đạt trung bình từ 15%/năm trở lên, hiệu suất khai thác của nhà ga T4 là rất cao và có khả năng sinh lời, thuận lợi cho việc thu hồi vốn ngay cả khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đi vào hoạt động.
Theo Dân Trí