Người quen mua lại vàng Phước Sơn, Bồng Miêu: Chiêu phá sản?

Thứ ba, 25/04/2017, 09:45
Cần phải đề phòng với chiêu "giả chết" hay còn gọi là "phá sản khôn ngoan".

Vẫn liên quan tới thương vụ mua bán tại hai dự án khai thác vàng lớn nhất ở Việt Nam, là Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) giữa Besra Gold Inc với nhà đầu tư mới chính là cựu quản lý cao cấp của Besra. Th.S Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị cho rằng phải đề phòng những thủ thuật trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Vàng Phước Sơn lỗ thật hay chiêu trò của nhà đầu tư nước ngoài?

Đi vào phân tích cụ thể, vị chuyên gia từng bước vạch mặt những "chiêu trò" chuyển giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Besra cũng không nằm ngoài mối nghi ngại nói trên.

Dấu hiệu rõ nhất là "hành động lạ" của hai cựu lãnh đạo cao cấp của Besra. Đứng ra mua lại một doanh nghiệp liên tục thua lỗ, thậm chí còn đang đeo trên mình số nợ thuế khổng lồ lên tới hơn hai trăm tỷ việc này nên được xem là "dũng cảm" hay vì nhà đầu tư đã nhìn thấy lợi ích khác?

Ông Sơn cho rằng, cần phải điều tra thật kỹ, cụ thể tình trạng báo lỗ của tổng công ty này để ngăn chặn tình trạng chuyển giá.

Trong lịch sử, chiêu "lỗ ảo-lãi thật" đã được các doanh nghiệp FDI lợi dụng rất tốt nhằm chuyển giá, trốn thuế để thu lời. Như vậy, họ phải tìm mọi cách hợp thức hóa hành vi chuyển giá để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế, hải quan nhằm trốn thuế một cách hợp pháp, kể cả phải báo lỗ giả để bán lại doanh nghiệp với giá rẻ rồi lại mua lại với những tình tiết tương tự như trường hợp của Besra.

Cần lưu ý, tại thời điểm Besra ra thông báo về việc thoái vốn ở Việt Nam, thì Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với Vàng Phước Sơn, một công ty mà Besra đang nắm giữ 50% cổ phần.

''Cần phải đề phòng với chiêu "giả chết" hay còn gọi là "phá sản khôn ngoan". Tức là, doanh nghiệp liên tục báo lỗ nhưng lại ngấm ngầm thành lập công ty mới. Sau đó chuyển dần tài sản, trang thiết bị sang rồi xin phá sản doanh nghiệp nhằm trốn thuế, trốn nợ. Hoặc báo lỗ, xin rút khỏi dự án rồi lại bán rẻ, rồi lại mua lại... tất'' - ông Sơn cảnh báo.

Ngoài ra, ông Sơn lo ngại, nếu cho phép Phước Sơn phá sản trước khi chưa giải quyết dứt khoát các khoản nợ nần, nguy cơ lớn là hơn 213 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng địa phương sẽ bị mất trắng.

Theo nguyên tắc, khi mở thủ tục phá sản, tất cả tài sản của Phước Sơn sẽ bị kê biên và đem ra đấu giá. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các tài sản của nhà máy này đã bị chuyển đi gần hết, những máy móc còn lại chỉ là những trang thiết bị lạc hậu, bán rẻ không có người mua.

"Như vậy chả khác nào Quảng Nam đã mất hết. Dù có mang tài sản bán rẻ cũng chỉ thu được vài đồng lẻ, không đáng bao nhiêu", ông Sơn nói.

Mặt khác, khai thác vàng là thuộc một trong nhiều ngành sản xuất đặc thù, do đó, công nghệ sản xuất không phải cứ bán thì ai cũng có thể mua. Với tính chất như vậy, doanh nghiệp rất dễ thực hiện những thủ thuật như nâng khống giá trị tài sản thực để trừ nợ hoặc cũng có thể cố tình hạ giá thấp tài sản từ 100 đồng xuống còn 30 đồng để người "quen" nhảy vào mua lại...

"Có rất nhiều chiêu thức mà chỉ cần truyền tay nhau là doanh nghiệp đã kiếm được tiền. Vì vậy, cần phải có giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản của nhà nước", ông Sơn nói.

Bàn về giải pháp, ông Sơn chỉ ra có mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, về phía chính quyền địa phương phải xem xét có yếu tố tham nhũng tiếp tay cho các thương vụ mua bán của Besra không?

Thứ hai, phải mời cơ quan kiểm toán tham gia đánh giá, định giá tài sản của nhà máy, định giá trữ lượng quặng, khả năng khai thác, tiềm năng khai thác... trước khi thực hiện các bước chuyển đổi.

Thứ ba, bán đứt hoàn toàn doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài. Đứng trước các chiêu trò của doanh nghiệp mà không có được trình độ quản lý tốt thì nhà nước vừa mất tài nguyên, ngân sách còn bị thất thu thuế.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn