Mua cái lợi, không ai mua cái thiệt
Besra Gold Inc đã tuyên bố rút khỏi 2 dự án khai thác vàng lớn nhất ở Việt Nam, là Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam), đồng thời bán toàn bộ tài sản cho nhà đầu tư khác để giải quyết nợ nần. Đáng chú ý, công ty mua lại là của chính hai ông Paul và David Seton - từng là cựu quản lý cao cấp của Besra.
Nhiều nghi ngại đằng sau thương vụ mua lại Phước Sơn, Bồng Miêu |
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng việc sản xuất không hiệu quả bán lại là việc bình thường của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề bất thường ở đây là người mua lại, chính là cựu lãnh đạo của Besra. Người điều hành và hiểu rõ nhất về phương thức hoạt động cũng như những thua lỗ trong làm ăn của Besra.
Biết thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất như vậy nhưng vẫn mua cho thấy, họ mua có nghĩa là họ kỳ vọng khi thuộc quyền sở hữu của họ sẽ đem lại hiệu quả, trong khi đó khi sở hữu thuộc người khác, thời điểm mà họ điều hành thì lại lỗ.
Như vậy, có thể nghi vấn rằng, câu chuyện kinh doanh ở Besra có nhiều dấu hiệu không bình thường. Một tập đoàn lớn, mạnh như Besra mà thất bại, thì cần phải hiểu nguyên nhân vì sao Besra thất bại, là do giá vàng giảm hay do chi phí cao, hay còn vì trữ lượng vàng thấp, năng suất thấp hay là do quản lý? Tại sao thất bại mà vẫn có người mua lại?...
"Như tôi đã nói, người mua quá hiểu về công ty, việc họ chấp nhận mua lại một doanh nghiệp thua lỗ là điều rất khó hiểu. Chỉ có thể hiểu họ đã có giải pháp để giải quyết, hay là đây là một "trò chơi" của nhà đầu tư nước ngoài. Cố ý lỗ để bán công ty, loại hết những cổ đông Việt Nam, chiếm lĩnh 100% rồi hồi phục lại và đạt hiệu quả sau?. Vấn đề cần phải có xem xét hết sức cẩn thận", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhắc nhở.
Dựa trên quan điểm kinh tế, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện Kinh tế Việt Nam cũng đặt chung câu hỏi trên. Ông cho biết thật khó lý giải được lý do hai cựu CEO của Besra chấp nhận mua lại một công ty mà liên tục làm ăn không hiệu quả, nợ nần quá lớn.
PGS Đoàn chỉ ra hai vấn đề. Thứ nhất, một doanh nghiệp khai khoáng, khai thác vàng tức là đào tài nguyên lên để bán mà liên tục kêu thua lỗ, không hiệu quả là bất thường. Điều này buộc phía Việt Nam phải đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân vì sao? Là do trình độ, năng lực quản lý hay còn do lý do nào khác? Thứ hai, nếu một doanh nghiệp đã làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ như vậy, việc đứng ra mua lại có mục đích gì?
Ông Đoàn cho biết, việc mua lại doanh nghiệp yếu kém để "độ" lại thành một doanh nghiệp có diện mạo, sức khỏe tốt hơn không phải là không thể làm được. Tuy nhiên, lĩnh vực khai khoáng là lĩnh vực rất khó có thể thực hiện tái cấu trúc. Hơn nữa, Besra trước đó liên tục kêu khó, báo lỗ và xin giảm thuế. Điều này cho thấy có khả năng doanh nghiệp cũng chưa thật sự đánh giá được chuẩn xác trữ lượng vàng tại hai mỏ trên hoặc trình độ quản lý, khai thác kém.
Tuy nhiên, cả hai khả năng trên vẫn là một ẩn số khó hiểu. Bởi, những người mua lại đều là những CEO cao cấp của Besra vì vậy, họ phải là những người hiểu rõ nhất những điểm yếu và thế mạnh của hai nhà máy này.
Theo đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, bỏ tiền ra mua phải mua cái lợi chứ không thể mua cái thiệt. Vì vậy, có thể họ đã nhìn thấy một điểm sáng giúp họ có lợi trong quá trình nắm quyền tiếp quản hai nhà máy này.
"Ý tôi muốn nói là cái lợi khác nằm ngoài cái lợi từ việc đào vàng lên rồi mang đi bán. Vì báo cáo cũng nói rõ trữ lượng không còn nhiều, khai thác lại khó khăn... việc đào vàng đem bán mà có lợi Besra đã không phải bán nhà máy.
Tôi lấy ví dụ, có thể họ sẽ ép buộc phải bán giá rẻ hoặc định giá tài sản thấp, cũng có thể đặt giả thiết có những trao đổi, thỏa thuận ngầm khác... trong quyền sử dụng, sở hữu hai nhà máy trên", ông Đoàn đặt nghi vấn.
Lo chuyển giá, thất thoát tài nguyên
Chính vì mục đích của nhà đầu tư chưa rõ ràng, nên PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng đây là ngành khai thác khoáng sản, nên nhà nước cần phải quản lý nghiêm, nếu bán 100% cho công ty nước ngoài thì tài nguyên Việt Nam bị khai thác vàng sẽ thuộc về họ. Việt Nam có thể được một phần thuế cho ngân sách và một ít công ăn việc làm nhưng đánh đổi bởi tài nguyên bị khai thác.
"Khi đã hợp thức hóa hoàn toàn thì chúng ta chỉ còn nước đứng nhìn doanh nghiệp nước ngoài kiếm lợi, làm giàu trên tài nguyên của chính mình", vị chuyên gia chỉ rõ.
Từ lập luận trên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi khẳng định, không nên chấp thuận cho việc bán 100% cho công ty nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (vàng như trường hợp này).
"Trong trường hợp này tốt nhất là phá sản, nếu bán thì chỉ bán lại cho công ty Việt Nam. Hơn nữa, nếu mua bán thì cần phải giám sát chặt chẽ vì có phần sở hữu nhà nước, tránh tiêu cực và thất thoát vốn nhà nước", PGS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.
Theo Đất Việt