Nhiều lợi thế vẫn kinh doanh bết bát
Công ty cổ phần Ôtô TMT - vốn được mệnh danh là một trong những "ông trùm" trong lĩnh vực xe tải ở Việt Nam với sản phẩm chính là xe ôtô Cửu Long - vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 với kết quả đáng thất vọng.
Đặt kế hoạch tham vọng cho năm 2017 nhưng ngay từ quý I, TMT đã báo lỗ |
Theo đó, ngay trong quý đầu tiên của năm, TMT đã phải ghi nhận sự sụt giảm tới 23% về doanh thu so với cùng kỳ, còn 570,6 tỷ đồng. Điều này kéo theo kết quả lỗ 11,8 tỷ đồng trong quý I. Trong khi đó, cùng kỳ 2016, công ty có lãi ròng hơn 17,6 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về công ty mẹ 12,7 tỷ đồng.
Đáng nói là TMT đang lên kế hoạch khá tham vọng cho năm 2017 với mục tiêu đạt và vượt mức doanh thu 4.876 tỷ đồng, tăng tới 197% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận sau thuế dự kiến của công ty trong năm nay là 123 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm vừa qua.
Hơn nữa, theo như đánh giá của TMT về thị trường năm 2017 thì công ty này đang có lợi thế về sản xuất, lắp ráp độc quyền xe tải Sinotruk (Trung Quốc) tại Việt Nam, lợi thế cạnh tranh từ việc Chính phủ điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc một số chủng loại xe. Chi nhánh tại TP.HCM của công ty này cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động và đáng chú ý là sản phẩm xe tại TATA-Ấn Độ đã được đưa ra thị trường và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng.
Dung lượng thị trường xe ôtô 2017 được đánh giá tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu thay thế xe hết niên hạn sử dụng sẽ giúp công tác tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Ngoài ra, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phân phối ôtô đã được Quốc hội thông qua và được đưa vào diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây đều là những yếu tố mà TMT cho là tạo điều kiện thuận lợi cho công ty này trong năm nay. Chính vì vậy, với diễn biến sôi động của thị trường ôtô đầu năm, việc TMT báo lỗ gây không ít bất ngờ.
Giải trình cho sự sa sút về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý đầu năm, TMT cho biết, một mặt do doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ thực hiện chỉ đạt 76,6% so với cùng kỳ năm 2016. Mặt khác, lợi nhuận gộp lại chỉ ở mức 36,35% so với cùng kỳ. Báo cáo của TMT không thể hiện thêm bất cứ lý do cụ thể nào về lý do khách quan của thị trường hay lý do chủ quan.
Hàng tồn lớn, nợ vay ngắn hạn sắp cán mốc 1.000 tỷ đồng
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2017, TMT ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 1.633,8 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới gần 91% tổng nợ. Tài sản ngắn hạn có 1.611,3 tỷ đồng, nhưng trong đó giá trị hàng tồn kho đã là 1.451 tỷ đồng (chiếm 90%).
Một trong những chủ nợ lớn của TMT là BIDV với dư nợ 457,4 tỷ đồng; TPBank với dư nợ 166,3 tỷ đồng trong tổng số nợ vay ngân hàng ngắn hạn của công ty là 940,4 tỷ đồng.
Trước đó, vấn đề thanh toán của TMT đã được Ban kiểm soát công ty này lưu ý. Theo nhận định của Ban kiểm soát, với hệ số doanh thu thuần/tổng tài sản bình quân bằng 1,26 lần trong năm 2016. Như vậy, 1 đồng tài sản bình quân đạt 1,26 đồng doanh thu thuần. Hệ số thanh toán cho thấy khả năng thanh toán hiện hành của công ty là 1 đồng nợ ngắn hạn được đảm bảo bởi 1,11 đồng tài sản.
Chính vì vậy, Ban kiểm soát đề nghị năm 2017, TMT phải có các biện pháp nâng cao quay vòng hàng tồn kho để tránh tình trạng vốn bị ứ đọng ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng vốn và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp.
Thực tế, năm 2016, kết quả kinh doanh của TMT cũng không mấy sáng sủa. Doanh thu thuần chỉ đạt trên 2.500 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước đó; lợi nhuận trước thuế còn hơn 61 tỷ đồng, giảm tới 73,7% và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm tới 74,5%, đạt hơn 47,5 tỷ đồng.
Một phần lý do đến từ sản lượng xe tiêu thụ trong năm chỉ đạt 6.646 chiếc, chỉ hoàn thành 63% kế hoạch. Chính vì vậy, lương bình quân của người lao động tại TMT đã bị giảm từ 8,25 triệu đồng/người/tháng xuống còn 6,7 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn nhận về những khó khăn trải qua trong năm 2016, TMT đánh giá, doanh nghiệp này đang bị cạnh tranh gay gắt của các đối thủ kinh doanh cùng ngành nghề trong lĩnh vực ôtô. Bên cạnh đó, việc Chính phủ và các bộ, ban, ngành chưa có sự chỉ đạo cụ thể về thời gian lộ trình áp dụng sử dụng bộ khí thải động cơ EURO 4 thay thế EURO 2, TMT cho rằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm của xe, từ đó làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty này.
Cổ phiếu TMT thời gian gần đây giao dịch với "phong độ" thất thường và trong xu thế giảm. Phiên giao dịch ngày 24/4, mã này giảm sàn, mất tới 900 đồng còn 12.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong vòng 1 tuần, thị giá TMT đã "bốc hơi" 13,7% và mất tới 18,4% trong vòng 1 tháng qua. So với thời điểm này năm trước, giá cổ phiếu TMT đã trượt dốc mất tới 66% giá trị.
Theo Dân Trí