‘Nhân viên ngân hàng chỉ gắn bó với công việc trong 2-3 năm’

Thứ sáu, 21/04/2017, 13:30
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc - Giám đốc HR VPBank nhìn nhận tình trạng nhảy việc khiến nhiều ngân hàng đau đầu và loay hoay tìm kiếm phương án giữ chân người tài.    

Đại diện quản lý nguồn nhân lực của ngân hàng VPBank nhận định, trước đây mỗi nhân viên thường gắn bó 5-6 năm trong một ngân hàng, sau giảm xuống còn 3-4 năm. Đến năm 2016, thì con số này giảm xuống chỉ còn 2-3 năm. Tình trạng này khiến các ngân hàng thường xuyên lao vào vòng xoáy tuyển dụng nhân sự mới.

Mai Thùy Dung (nhân viên ngân hàng) cho biết lúc mới ra trường, được giới thiệu vào làm ngành này là niềm tự hào lớn. Nhưng sau một thời gian, áp lực công việc lớn quá nên cô xin nghỉ việc, sang đầu quân cho một ngân hàng khác có chế độ lương thưởng, môi trường làm việc tốt hơn. “Bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng như vậy, cảm thấy không thoải mái thì sẵn sàng một năm chuyển 2-3 chỗ làm việc”, cô chia sẻ.

Chỉ số gắn bó khiến các nhà tuyển dụng khá “sốc”. Lý do khá cơ bản, khi tuyển nhân sự mới ngân hàng thường phải bỏ ra ít nhất là 6 tháng đến một năm để đào tạo. Quen công việc chưa được bao lâu, thậm chí chưa kịp đóng góp cho đơn vị, nhân sự đã xin nghỉ.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc cho rằng trào lưu nhảy việc là do ý thức hệ của một nhóm nhất định, đặc biệt là đối với nhóm Millennials (từ 21-34 tuổi). “Nhiều người chưa kịp trau dồi kỹ năng nhưng lại rất nhanh chán công việc, vì thế họ hay thay đổi. Song những ai đã gắn bó với công việc thì lại làm rất tốt. Vấn đề này đặt ra bài toán đối với các ngân hàng, làm sao để người lao động gắn bó với đơn vị mình lâu dài hơn”, bà chia sẻ.

VPBank chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Theo phía VPBank, đơn vị này cũng không nằm ngoài xu hướng thị trường, nhân viên nhảy việc khá nhiều. Để giải quyết, doanh nghiệp thường đem đến chính sách lương, thưởng hấp dẫn. Bên cạnh lợi ích cá nhân, nhiều ngân hàng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với môi trường lý tưởng.

Tại đây, môi trường được xây dựng để nhân viên luôn hứng khởi làm việc, phát huy năng lực một cách tốt nhất và trả công xứng đáng. Sau khi thực hiện khảo sát, 89,9% nhân viên cho biết họ nhìn thấy tương lai phát triển tại ngân hàng; 92,3% tự hào, yêu mến đồng nghiệp; 91,1% tự nguyện làm nhiều hơn nhiệm vụ.

“VPBank không phải là đơn vị trả lương hàng đầu, nhưng tương xứng với người lao động dựa theo hiệu quả kinh doanh của từng cá nhân, chi nhánh và toàn thể ngân hàng”, bà Trúc cho biết. Ngân hàng tham vọng sẽ nâng mức độ gắn bó lên 3-4 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Các hoạt động nội bộ thường xuyên được tổ chức với mục tiêu tăng mức độ gắn kết.

Nói thì dễ nhưng để đạt được mục tiêu, ngân hàng nghiêm túc đi theo mô hình “Xây dựng nền tảng quản trị nhân sự” theo theo phương pháp của Hay Group. VPBank cũng thiết lập và xây dựng hệ thống theo chuẩn ERP, cho phép sử dụng hệ thống các ứng dụng tích hợp để quản lý doanh nghiệp, tự động hóa nhiều chức năng văn phòng.

“Với nhân sự lên đến 10.000 người, chúng tôi phải nhóm lại theo những công việc tương tự nhau từ đó xác định được những yêu cầu về kỹ năng và năng lực. Dựa vào các tiêu chí đã đặt ra, người lao động nếu có kế hoạch phát triển sẽ tự đối chiếu với chỉ tiêu nghề nghiệp rồi xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển. Với mô hình này, thay vì phải chuyển việc liên tục trong 1-2 năm, người lao động hoàn toàn có luân chuyển trong nội bộ công ty”.

Mô hình theo chuẩn quốc tế như vậy tạo ra môi trường minh bạch, giúp người lao động muốn gắn bó lâu dài hơn, tăng kỳ vọng về các vị trí trong tương lai. Người lao động cũng có tâm lý chủ động hoàn thiện kiến thức, kế hoạch thăng tiến.

Cũng theo lãnh đạo cấp cao VPBank, để phát triển bền vững cần chú ý đến các yếu tố mang tính gắn kết. Tức là ngân hàng giúp nhân viên phát huy được hết tài năng, năng lực. Từ những chính sách trên, ngân hàng đã lọt vào top 5 doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc nhất Việt Nam theo kết quả khảo sát thường niên do Anphabe và Nielsen thực hiện. Đây cũng là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách này.

Theo Zing

Các tin cũ hơn