Dòng vốn ngầm 1.700 tỷ USD trong nền kinh tế Trung Quốc

Thứ tư, 26/04/2017, 12:57
Số vốn khổng lồ đã chảy vào các thị trường Trung Quốc đột ngột bị rút lại, khiến ngành công nghiệp quản lý tài sản chao đảo và giá trái phiếu, cổ phiếu lao dốc.  

Tâm điểm của cơn bão này là các khoản đầu tư ủy thác - số tiền mà các ngân hàng Trung Quốc chuyển cho công ty quản lý tài sản bên ngoài. Hoạt động này đang trở thành một phần quan trọng trong hệ thống tài chính ngầm nước này.

Khi ngân hàng bán cho khách các “công cụ quản lý tài sản” (cho lãi suất cao hơn tiền gửi thông thường), họ thi thoảng đưa tiền của khách hàng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hay quỹ tương hỗ. Các quỹ này sẽ đầu tư số tiền trên vào trái phiếu, cổ phiếu và các dạng chứng khoán khác, với hy vọng kiếm đủ tiền để vừa giúp ngân hàng đảm bảo lợi nhuận cam kết với khách, vừa dôi ra một phần cho chính mình.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đổ tiền vào các kênh này, các ngân hàng giờ lại quyết định rút về, sau hàng loạt hướng dẫn chính sách của Chính phủ Trung Quốc 3 tuần qua. Những người chỉ trích cho rằng chính những quỹ đầu tư được ủy thác đã khiến đòn bẩy trong hệ thống tài chính Trung Quốc tăng lên, và tính minh bạch cũng giảm đi.

Chứng khoán Trung Quốc đã biến động lớn nhiều phiên qua. Ảnh: Bloomberg

Hành động của các nhà băng đã khiến vốn hóa trên sàn chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 315 tỷ USD trong 6 phiên qua, đồng thời khiến lãi suất trái phiếu lên cao nhất gần 2 năm. Việc này chính là thách thức với giới chức Trung Quốc, khi vừa phải kiềm chế hoạt động ngân hàng ngầm, vừa tránh gây bất ổn thị trường tài chính. Dù Chính phủ Trung Quốc có nhiều công cụ để đẩy giá tài sản lên nếu muốn, các nhà phân tích tại ANZ cho rằng việc bán tháo sẽ ngày càng trầm trọng trong năm nay.

Theo hãng nghiên cứu PY Standard, tính đến ngày 30/9 năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã đưa tổng cộng 3.460 tỷ NDT tiền thu được từ công cụ quản lý tài sản cho các giám đốc quỹ. Nếu tính thêm cả tiền tại các ngân hàng, tổng quy mô hoạt động đầu tư ủy thác lên tới 11.800 tỷ NDT (1.700 tỷ USD), theo hãng nghiên cứu SWS Research.

Giới chức Trung Quốc được cho là rất cảnh giác với loại hình này. Một phần vì các quỹ được tự do hơn ngân hàng trong việc sử dụng đòn bẩy. Trung Quốc đang cố giảm đòn bẩy do bong bóng tín dụng hình thành vài năm qua.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các quỹ bên ngoài khiến cả ngân hàng và giới chức khó theo dõi liệu tiền có chảy vào các lĩnh vực bị hạn chế của nền kinh tế, như bất động sản hay một số loại hàng hóa, hay không.

Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã đề nghị các ngân hàng báo cáo về quy mô ủy thác đầu tư. Trong đó phải bao gồm cả các sản phẩm được phát hành bởi quỹ tương hỗ, quỹ tín thác, công ty môi giới và công ty giao dịch hợp đồng tương lai.

Dù cơ quan này không chính thức cấm ủy thác đầu tư, họ đã đề nghị các ngân hàng nộp báo cáo về hoạt động của mình trước ngày 12/6 năm nay và chỉnh đốn lại bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đòn bẩy cao, đầu tư đa lớp và lách luật để tăng lợi nhuận. Người ta vẫn chưa rõ liệu các ngân hàng sẽ làm gì với số tiền họ rút về từ các quỹ bên ngoài.

“Các ngân hàng rõ ràng đã nhận ra thông điệp từ những hướng dẫn chính sách gần đây, và có động thái phòng thủ, dù chưa lệnh cấm nào được chính thức ban bố”, Meng Xiangjuan - Giám đốc nghiên cứu Các công cụ trả lãi cố định tại SWS Research nhận xét.

Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực giảm rủi ro trong hệ thống tài chính. Chủ tịch CBRC - Guo Shuqing đã ra một loạt chỉ đạo về mọi lĩnh vực, từ thị trường liên ngân hàng, tín dụng bất động sản đến sử dụng sản phẩm quản lý tài sản. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng đã cam kết kiềm chế sử dụng đòn bẩy và tìm ra những kẻ thao túng thị trường.

Dù vậy, theo Shanghai Chongyang Investment - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Trung Quốc, việc này không có nghĩa giới chức sẽ để thị trường rơi tự do. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách bơm tiền vào hệ thống tài chính để xoa dịu biến động.

“Mục tiêu của việc giảm đòn bẩy là giảm rủi ro hệ thống. Vì thế, dù có các chính sách cứng rắn, PBOC vẫn sẽ tăng thanh khoản khi cần thiết để bình ổn thị trường”, Shanghai Chongyang nhận xét trong một báo cáo.

Đến nay, mức giảm trên thị trường Trung Quốc vẫn chưa khiến giới chức ra tín hiệu có thể can thiệp mạnh tay. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 1,5% hôm qua, nâng mức giảm từ ngày 11/4 lên 5%. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã lên 3,5% - cao nhất từ tháng 8/2015. Con số này được ANZ dự báo lên 3,8% cuối năm nay.

Theo VNE

Các tin cũ hơn