|
Ông Trần Bình Mạnh (Thống Nhất, Đồng Nai) đang phải “treo chuồng” vì cạn vốn. |
“Thủ phủ” heo phá sản
Nghẹn ngào nhìn đàn heo cả trăm con liên tục rớt giá từng ngày, ông Nguyễn Văn Dân (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nức nở: “Tuần rồi giá heo còn 25.000 đồng/kg, tui tiếc nên cố cầm cự, ai ngờ chỉ mới vài ngày đã rớt xuống còn mười mấy ngàn. Chuyến này mất trắng cả trăm triệu đồng, chưa kể khoản vay lớn từ ngân hàng giờ không còn khả năng thanh toán”.
Đầu tư hàng tỷ đồng cho 3.000m2 chuồng trại, ông Trần Bình Mạnh (xã Quang Trung, Thống Nhất) lỗ ngay lứa đầu tiên hơn 900 triệu đồng. Mặc dù đã 10 năm trong nghề nuôi heo, nhưng ông Mạnh vẫn không tin vào mắt mình: “Chưa bao giờ người nuôi heo thê thảm như lúc này. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào trại, giờ tui biết ăn nói làm sao với vợ con đây. Không ngờ, tới lúc đầu hai thứ tóc rồi trở thành trắng tay”.
Vừa có chuyến khảo sát tình hình các trại heo về, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thở dài: “Có trang trại lâm vào tình trạng cùng cực, vừa bán vừa khóc. Họ khóc vì heo đẹp, chất lượng mà chỉ bán được trung bình 2,4 triệu đồng/con trong khi riêng tiền giống mỗi con đã hết 2,2 triệu đồng; chưa tính chi phí thức ăn, thuốc men, công sức nuôi... Theo ông Đoán, hầu hết người nuôi trắng tay, hết đường xoay xở nên đành ngậm ngùi bán hết đàn, đóng cửa trại mà nợ vẫn chưa biết khi nào trả hết. “Giờ người chăn nuôi gần như “không còn gì nữa” khi giá tuột dốc 18.000 đồng/ký”- ông nói thêm.
Trung gian lãi đậm
Trưa ngày 25/4, khảo sát giá thịt heo tại nhiều chợ như Bến Thành, Bà Chiểu, Nguyễn Tri Phương… Ở TPHCM đều từ 75.000 - 110.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt đùi, cốt lết giá 85.000 - 90.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai đùi) 90.000 đồng/kg, thịt vai 75.000 đồng/kg, sườn già heo 75.000 - 76.000 đồng/kg... trong khi giá heo tại các hộ chăn nuôi trong những ngày gần đây chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Bà Mai, tiểu thương kinh doanh chợ thịt heo ở chợ Lãnh Binh Thăng (Q.11) nói: “Chúng tôi cũng nghe thông tin giá heo ở các hộ chăn nuôi giảm sâu, trong đó có heo ở Đồng Nai. Nhưng khi lấy hàng ở chợ đầu mối giá vẫn cao thì làm sao chúng tôi có thể giảm giá bán ra được”.
Theo ông Trần Văn Tình - chủ trại heo H. Củ Chi, giá heo đến tay người tiêu dùng cao gần gấp đôi, gấp ba là rất bất hợp lý. Ông cho hay, trong khi giá heo hơi hiện giảm xuống còn 18.000 - 20.000 đồng/kg thì giá thịt heo bán ở chợ vẫn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tương đương mức giá vào thời điểm heo hơi được bán ở mức 45.000 đồng/kg. Chính điều này khiến người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Giới chăn nuôi cho biết, sở dĩ có sự bất hợp lý trên là do có quá nhiều khâu trung gian. Thương lái đi gom thu mua heo hơi, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó lò giết mổ bán lại cho thương lái chuyên mua thịt móc hàm. Đến lượt những thương lái này lại bán cho người bán lẻ, rồi người bán lẻ mới bán đến tay người tiêu dùng. Như vậy là phải qua ba bốn khâu trung gian, chi phí cũng từ đó mà đội lên cao.
“Tính sơ sơ, con heo 1 tạ bán với giá 2 triệu đồng, qua 4 tầng trung gian, con heo đến tay người tiêu dùng với giá 7,5 triệu đồng (75kg). Vị chi, trung gian bỏ túi 3,5 triệu đồng”- giới chăn nuôi heo phân tích.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia nông nghiệp thông tin nói thương lái thao túng giá thị trường là không đúng vì bản thân các thương lái cũng cạnh tranh nảy lửa với nhau. “Cụ thể như tại chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), khi “bể” chợ (cung vượt cầu), thương lái cũng phải giảm giá để bán được hàng. Cái quan trọng ở đây chính là khâu bán lẻ cuối cùng” - ông P. - cán bộ nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT nói.
Theo ông P., phần lớn tiểu thương ở các chợ hàng ngày bán với số lượng nhỏ khoảng 10-15kg thịt. Trong khi đó họ phải chịu các chi phí hàng ngày như nhân công, thuế, hoa chi, thuê sạp… đè lên. Vì vậy, họ phải có đủ lợi nhuận để bù đắp chi phí hàng ngày nên giá bán lẻ đến người tiêu dùng không giảm bao nhiêu.
Giải cứu cách nào?
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, trước tình cảnh khó khăn của người nuôi heo, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp “giải cứu” cũng như hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho các xe chở heo lưu thông thuận tiện, không “ngăn sông cấm chợ”. Cùng với đó kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y,… tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi.
“Quan trọng nhất là phải cắt giảm đàn nái. Hiện, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang thực hiện việc kêu gọi tất cả các trang trại giảm đàn nái từ 30-50% mỗi trang trại. Bởi vì, heo nái chửa (gần 4 tháng), nuôi thêm heo thịt 6 tháng nữa, như vậy phải gần 10 tháng thì heo mới tiêu thụ” - ông Đoán cho hay.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn thu mua heo của bà con nông dân nhằm giúp nông dân giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, số lượng heo được bán không nhiều khiến giá heo vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục”. Theo ông Vinh, để ngăn đà giảm giá, tránh thiệt hại chỉ còn biện pháp là người nuôi phải giảm đàn để hạ nguồn cung.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết hiện Sở đã lập đoàn khảo sát giá từ các trang trại, thương lái, doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể tình hình. Ngày 26/4, Sở sẽ họp với Sở Tài chính TP.HCM cùng với các doanh nghiệp thu mua, phân phối và các siêu thị để họp bàn về vấn đề giá heo. Theo bà Trang, chuyện nâng giá cao đến tay người tiêu dùng là do thương lái thao túng giá, nếu buộc doanh nghiệp cung cấp, bán lẻ phải giảm giá mà không “quản” được thương lái thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
“Hiện nay, heo dội hàng rất nhiều và đa số đều quá lứa nên thương lái tận dụng cơ hội ép giá. Sở sẽ họp bàn và triển khai ngay những kế hoạch nhằm “giải cứu” heo, hỗ trợ người chăn nuôi”. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM |
Theo Tiền Phong