Ông lớn BOT buồn vì bị tố... ăn dày: Không tin được

Thứ ba, 25/04/2017, 14:41
Nhà đầu tư còn thu được rất nhiều khoản lợi nhuận khác nhau không riêng gì phí BOT nên kêu lỗ chỉ là kêu ca giả tạo?

Chủ đầu tư không dại gì phải bỏ ra cả nghìn tỷ để chịu lỗ

Mới đây, lãnh đạo của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Công ty Cổ phần Tasco cho biết nhà đầu tư BOT rất nản lòng, bức xúc khi dư luận bảo ăn dày, ăn mỏng.

Trong khi thực tế chỉ được lợi nhuận 11% trên vốn chủ sở hữu theo đúng hợp đồng, còn tất cả giá trị đầu vào được kiểm toán, từ con số cuối cùng mới định ra thời gian thu phí.

Gần đây, mặc dù đầu tư BOT có lãi suất thấp song doanh nghiệp xây dựng lấy công làm lãi, tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 21/4, chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh cho biết: "Trên thế giới thường có 2 cách trả lãi cho chủ đầu tư, trả theo lãi suất ngân hàng huy động và cộng thêm một khoản chi phí thỏa thuận cho nhà đầu tư, hoặc trả theo lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng.

Không nhà đầu tư BOT nào bị lỗ

Mức lãi suất 11% hiện nay các chủ đầu tư BOT đang được hưởng không thấp, vì cao hơn lãi suất cho vay trung dài hạn. Thực ra, nhà đầu tư còn thu được rất nhiều khoản lợi nhuận khác từ việc có quyền triển khai tổ chức thực hiện (thiết kế, thi công, thầu phụ, khai thác vật liệu...) và các khoản đầu tư tài chính như chứng khoán hóa, thế chấp dự án".

Bên cạnh đó, theo ông Sanh, vấn đề đặt ra là thu phí của dân nhưng dân không bằng lòng vì họ không sử dụng đường cũng thu phí, sữa chữa đường quốc lộ một chút cũng thu phí, lại kiên quyết thu nhanh cho bằng được thì khác gì việc có được lợi nhuận trên công sức người dân.

Còn chuyện lãi lỗ là việc tính toán của doanh nghiệp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, nhà đầu tư nào làm dự án cũng phải đối mặt với rủi ro. Riêng về sự việc thu phí BOT Bến Thủy, Cầu Rác..., đúng ra là các nhà đầu tư trên phải xin lỗi người dân địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An..., thậm chí trả lại số tiền đã thu của dân trước đó.

Khó có nhà đầu tư BOT giao thông nào trong giai đoạn vừa rồi phải chịu lỗ. Thời gian hoàn vốn đều tính trả đủ vốn, lãi gốc và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Con số đưa ra do Kiểm toán Nhà nước vừa qua để điều chỉnh lại cho đúng, chứ không phải là o ép nhà đầu tư.

''Thực ra, nhiều người còn nghi ngại, con số phát hiện này chỉ là một phần nhỏ, phần nổi của tảng băng chìm. Không một hợp đồng BOT nào lại cho thu phí mà chưa quyết toán xong phần chuẩn bị và thực hiện dự án. Ăn dày ăn mỏng là chỗ này, do vừa sai luật định vừa có dấu hiệu bao che lợi ích nhóm trong hàng loạt dự án BOT thu phí"- vị chuyên gia nói thêm.

Ăn gian không được thì bỏ?

Cũng bức xúc trước câu chuyện các nhà đầu tư BOT cho rằng không có lãi, nhưng khi kiểm toán nhà nước vào cuộc thì 27 dự án giảm được gần 100 năm thu phí, theo ông Sanh, đây là các khoản chi không có thực, đành phải “nhả” lại. Nếu Kiểm toán Nhà nước không phát hiện được thì họ sẽ ăn vào phần thu phí (tăng thêm).

"Cho nên, theo tôi, chỉ là các lời kêu ca giả tạo, không đáng để tranh luận. Cứ thanh tra điều tra một vài dự án BOT “kêu ca” đến nơi đến chốn sẽ rõ vấn đề.

Để tìm ra được vấn đề của BOT không loại trừ có cả vấn đề lợi ích nhóm, mà thực tế đây không phải là vấn đề khó hiểu, khó giải quyết và người dân khắp cả nước cũng đã kêu ca từ lâu. Các đề xuất của các chuyên gia đã có quá nhiều, thậm chí quá nhàm", ông Sanh nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Sanh, thực sự có nhà đầu tư nào dám tự nhận mình là gian dối đâu. Quy luật thị trường, người mua bao giờ cũng thích rẻ, người bán bao giờ cũng thích bán đắt, cái này cần hài hòa cân bằng lợi ích với nhau.

Riêng trong BOT giao thông có thu phí, khi thiếu tính minh bạch thì nhà đầu tư thân hữu càng có lợi. Không có lý do và dại gì phải bỏ ra cả nghìn tỷ để chịu lỗ.

"Ngày nào nhà đầu tư còn được cố ý hoặc vô tình “bảo vệ”, thì sẽ còn các phát biểu vô duyên như thế này. Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT, thay mặt Chính phủ và người dân kiểm soát giám sát hợp đồng BOT toàn diện , còn Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, cả Thanh tra Kiểm toán chỉ hổ trợ theo chức năng một phần. Nếu không làm nghiêm, hình thành nên các nhóm lợi ích thì dự án BOT giao thông chắc chắn khó khá hơn được", ông Sanh nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích