Hàng ngàn người 'sập bẫy' địa ốc Alibaba

Thứ hai, 27/11/2017, 09:04
Chỉ riêng dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) đã có gần 500 khách hàng “sập bẫy” Công ty CP địa ốc Alibaba, với số tiền bước đầu công ty này khai nhận là hơn 16 tỉ đồng.

Được giới thiệu là dự án Alibaba Long Phước 9 và đã bán gần hết nhưng hiện nay khu này cũng chỉ là một bãi đất trống

Chưa kể công ty này cũng đã mở bán 14 dự án đất nền tại Long Phước (Đồng Nai) với hàng ngàn nền nên rất nhiều nạn nhân của Alibaba đang nơm nớp nỗi lo mất tiền.

Đặt cọc xong mới biết "bẫy"

Anh Khang, một trong số gần 500 khách hàng đã đặt cọc mua nền đất tại dự án mà Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM, cho biết vào khoảng đầu tháng 11, anh nhận được lời chào mời mua đất nền từ nhân viên kinh doanh của Công ty CP địa ốc Alibaba. Mức giá chào bán là 5,5 triệu đồng/m2, đặt 50 triệu giữ chỗ, khi mở bán số tiền trên sẽ chuyển thành tiền đặt cọc mua nền đất, nếu không mua sẽ trả lại tiền.

“Họ nói giá đất nền ở đây rẻ lắm rồi vì dự án rộng đến gần 100ha, với rất nhiều tiện ích như trường học quốc tế, bệnh viện, sân golf... nên tôi đã đặt cọc mua. Nhưng giờ tôi mới biết dự án này thực chất chưa phải là của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM. Hiện tôi đang liên hệ để đòi lại tiền”, anh Khang nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Vân (TP.HCM) kể cách đây 2 tháng đã bỏ ra 500 triệu đồng mua 2 lô đất tại dự án Alibaba Long Phước 12 (H.Long Thành) và sau đó đặt cọc thêm 100 triệu đồng để mua 5 nền tại dự án Alibaba Long Phước 14. Tuy nhiên, mới đây khi chị lên ký hợp đồng mua bán, hỏi về pháp lý của các dự án thì Công ty CP địa ốc Alibaba chỉ đưa ra được mấy bản đồ quy hoạch Long Thành và mấy sổ đỏ đứng tên một cá nhân nào đó chứ không phải là sổ đỏ của Công ty CP địa ốc Alibaba.
Lo ngại, chị Vân đã yêu cầu lấy lại tiền nhưng chưa được, còn nhân viên kinh doanh luôn thuyết phục chị “yên tâm” vì công ty lớn làm ăn uy tín, vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng, nhân viên có 1.500 người”, rồi cam kết lợi nhuận 28%/năm… Nếu năm đầu tiên khách mua không đủ tiền đóng công ty sẽ mua lại với giá gấp 150% số tiền đã đóng...
Còn anh Dũng, đã bỏ ra 60 triệu đồng để đặt cọc mua 3 nền đất tại dự án Alibaba Long Phước 4 nhưng khi lên ký hợp đồng thấy pháp lý khu đất chưa có gì, đất cũng chẳng thấy đâu nên đã xin lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, do công ty này không trả lại tiền, anh Dũng đã khởi kiện ra tòa. “Mình còn làm ăn nên không muốn làm um xùm lên. Nhưng thái độ của công ty này kỳ quái khiến mình rất bức xúc”, anh Dũng nói.
Rủi ro rất cao
Phân tích hợp đồng “thỏa thuận hợp tác đầu tư” giữa Công ty CP địa ốc Alibaba ký với khách hàng, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, nói rằng những công ty công bố thông tin không đúng sự thật và huy động vốn trái quy định pháp luật như Công ty CP địa ốc Alibaba nếu giao dịch bị tuyên vô hiệu thì mọi cam kết cũng đều vô hiệu.
“Theo luật Kinh doanh bất động sản nếu không phải là đất của công ty thì Công ty CP địa ốc Alibaba không được ký với khách hàng kể cả trong trường hợp các cá nhân ủy quyền cho công ty này bán. Như vậy, ở góc độ pháp lý giao dịch này bị tuyên vô hiệu. Theo đó mọi cam kết cũng đều vô hiệu. Do đó, với những giao dịch không đúng quy định pháp luật thì đừng nghĩ đến phần cam kết này, dù cam kết cao hay thấp đều vô nghĩa. Thậm chí vốn gốc còn có khả năng mất nếu công ty này cố ý lừa đảo”, luật sư Phượng phân tích.
Về việc hai công ty này tổ chức huy động vốn (nhận 50 triệu đồng/nền) của khách hàng mua đất nền tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, theo Nghị định 121 thì hành vi vi phạm về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước với mức phạt từ 100 - 150 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số lợi bất hợp pháp. Nếu không trả được khách hàng số tiền đã nhận, mà số tiền đó đã sử dụng cho mục đích khác, thì còn có thể bị điều tra xác định về trách nhiệm hình sự.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn