Trong công văn số 130/CV-HoREA, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về trường hợp Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo"; công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều "dự án" đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và gần đây là tại TP.HCM.
Việc làm trên đã có tác động xấu, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản (BĐS) và có thể gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp.
Chi nhánh tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. |
Tăng vốn ảo?!
Theo HoREA, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng, đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 3/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/9/2017, vốn điều lệ lên đến: 1.600 tỷ đồng.
Trụ sở chính đặt tại 353 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh và 1 chi nhánh tại 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Công ty này có 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc, đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80%; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10%.
Trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, có một số điểm đáng bất thường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Đối chiếu với các tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng; 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.
Trên trang web của Công ty Địa ốc Alibaba có đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do công ty này làm chủ đầu tư nhưng không đúng sự thật. Trong các dự án đó, thì Dự án Marine City tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích 28,2ha, với khoảng 1.000 căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư là một doanh nghiệp tại thành phố Vũng Tàu.
Khu đất "Dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi" cho đến nay đang là dự án được Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư. Đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... thì phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành xác định không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở đây.
Ông Châu cũng cho biết, HoREA có nhận được "Đơn tố giác Công ty Alibaba" của ông Trần Dũng là khách hàng đã mua 3 lô đất liền kề 27, 28, 29 tại dự án Long Phước 5. HoREA đã có văn bản yêu cầu Địa ốc Alibaba giải quyết thỏa đáng quyền lợi của ông Dũng, nhưng đến nay, công ty này chưa phúc đáp kết quả.
Đối với Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM thì đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ: 12.000 tỷ đồng.
Công ty này có 3 cổ đông: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; ông Lê Xuân Sơn ngụ tại quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30%; bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5%.
Trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Tây Bắc TP.HCM cũng có một số điểm đáng ngờ.
"Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM đến 7.800 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng và bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng là không bình thường", ông Châu phân tích.
Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc có văn bản khẳng định việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc là trái với các quy định của pháp luật hiện hành |
Mượn "đầu heo nấu cháo"
Liên quan đến thủ đoạn làm ăn của 2 doanh nghiệp trên, ngày 14/11/2017, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc đã có báo cáo số 358/BQL-KHĐT trình UBND TP.HCM.
Ông Đinh Khắc Huy, trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc cho biết, đầu tháng 11/2017, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có văn bản đề xuất thực hiện dự án của tại Khu đô thị Tây Bắc. Tuy nhiên dự án do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đề xuất chưa được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Mặc dù chưa được chấp thuận nhưng Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án đất nền 97,58ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3. Hai công ty này đã "mượn đầu heo nấu cháo" khi công bố tung ra 1.000 nền nhà và huy động vốn trái phép bằng "Phiếu đặt chỗ" nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền. Nếu huy động đủ thì số tiền lên đến 50 tỷ đồng, có thể gây ra thiệt hại cho những người đặt chỗ mua nền và các nhà đầu tư thứ cấp.
Một điều đáng lưu ý là trong các "dự án" đất nền mà 2 công ty này công bố, có dự án là của chủ đầu tư khác; có "dự án" chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Trong thời gian qua, việc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án Khu đô thị Tây Bắc là trái với các quy định của pháp luật hiện hành", ông Huy khẳng định.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - VPLS Trương Anh Tú cho rằng, hành vi nhận là chủ đầu tư dự án trong khi thực tế vẫn chưa có tư cách chủ đầu tư, là có dấu hiệu của thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin không đúng sự thật tạo lòng tin cho khách hàng, đánh lừa khách hàng với mục đích bán được đất, thu lợi ích từ việc này. Hành vi trên đã có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự.
Theo Dân Trí