Sân bay Long Thành: Tiếp tục đội vốn nữa không?

Thứ ba, 14/11/2017, 09:18
Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Từ thực tế nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng (GPMB) liên tục được điều chỉnh, đại biểu Quốc hội lo ngại, không biết đến lúc triển khai, dự án có tiếp tục đội vốn nữa không?

Bản vẽ phối cảnh sân bay Long Thành.

Hạn chế điều chỉnh vốn

Liên quan nguồn vốn cho dự án, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn khi dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành liên tục tăng. Ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo GPMB có hơn 13 nghìn tỷ đồng, nhưng sau đó lại điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ và đến giờ Chính phủ đưa ra con số hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Đáng lưu ý, đây mới chỉ là con số ước tính. “Đến lúc thực tế triển khai dự án có tiếp tục tăng lên nữa hay không? Chính phủ dự kiến dự phòng 10% cho dự án, có đủ để giải quyết những vấn đề phát sinh hay không?”, ông Tiến băn khoăn.

Thống nhất tổng mức đầu tư dự án 23 nghìn tỷ đồng, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), đây chỉ là hạn mức trần để triển khai và phải quyết toán theo thực tế cũng như pháp luật về đầu tư. Để giải quyết bài toán vốn, theo ông Hàm, ngân sách trung ương chỉ bố trí đủ số vốn phải chi trả khoảng 18 nghìn tỷ đồng.

Sau khi trừ đi số vốn đã bố trí 5 nghìn tỷ, còn thiếu khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Số tiền thiếu này sẽ lấy 8 nghìn tỷ đồng Quốc hội đang để dành cho các công trình quan trọng quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Phần còn lại trung ương bố trí, gồm một phần hạ tầng của hai khu tái định cư địa phương phải chi trả, tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư và khi cho thuê đất ngắn hạn.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Vũ Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, khi đã ban hành những nghị quyết mang tính dài hạn, với những con số cụ thể, phương án rõ ràng, quá trình triển khai cần hạn chế sự điều chỉnh ở mức thấp nhất. “Chúng ta phải luôn quán triệt nguyên tắc đó là mọi khoản chi đều phải có trong dự toán”, bà Mai lưu ý.

Băn khoăn về việc phát sinh kinh phí, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lo ngại tình trạng tái lấn chiếm đất đai ở khu vực triển khai dự án, làm tăng mức đền bù. “Từ khi có nghị quyết cho đến nay đã có rất nhiều hộ “nhảy dù”. Tôi lo nhất khi thu hồi, sau đó họ lại tiếp tục tái lấn chiếm. Điều này mới ghê gớm và rất khó giải quyết. Chắc chắn tòa án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện”, ông Nhưỡng băn khoăn, đồng thời đề nghị bổ sung quy định xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai.

Bản thiết kế sân bay Long Thành.

Đất nghĩa trang cao hơn đất biệt thự?

Liên quan đến việc GPMB, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần tính toán kỹ giữa cái được và mất khi quy hoạch hai khu tái định cư. Đối với những vùng đang quy hoạch và đầu tư phát triển mới, theo đại biểu, giá sử dụng đất trên thị trường sẽ thay đổi hàng ngày. Theo ông Cường, với lưu lượng 100 triệu hành khách, chắc chắn xung quanh sân bay Long Thành sẽ hình thành phát triển khu đô thị mới.

Đại biểu Cường đề nghị Chính phủ sớm xúc tiến quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ đồng mà còn giúp hình thành trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, cần quy hoạch lại khu vực nghĩa trang xã Bình An. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt xã Bình An sẽ là trung tâm phát triển trong tương lai, thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, biệt thự hạng sang. “Nếu quy hoạch và tầm nhìn dự án như vậy, Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay mà rất có thể sẽ thành thành phố nghĩa trang”, ông Cường cảnh báo.

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu thực hiện tốt, đến năm 2025 sẽ đưa giai đoạn một của dự án vào hoạt động. Theo ông Thể, nếu dự án không làm trong nhiệm kỳ này thì 4- 5 năm nữa sẽ dẫn đến bức xúc ghê gớm, gây lãng phí lớn. “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến người dân rất nhiều, với gần 15 nghìn nhân khẩu, 5 nghìn hộ dân. Do đó khi thực hiện dự án phải hết sức thận trọng”, ông Thể cho hay.

Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án huy động vốn cho dự án. Phương án thứ nhất, dự kiến sẽ bố trí 15 nghìn tỷ đồng trong số 80 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 26. Phương án thứ hai, bố trí 17 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc lựa chọn phương án một hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 26 của Quốc hội. Nếu theo phương án hai của Chính phủ thì phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn và không phù hợp với tính nhất quán trong việc sử dụng các nguồn lực.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn