|
Cần kiểm soát mật độ xây dựng trên quy định tách thửa để đảm bảo hạ tầng giao thông. |
Ngày 8.11, UBND TP.HCM họp với các sở ngành, quận, huyện bàn phương án cho tách thửa đất ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn TP.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận tách thửa đất ở là nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn TP. Nếu như TP không chủ động tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tách thửa hợp pháp, thì cũng không tránh được tình trạng một số trường hợp tìm cách để tách, dẫn đến vi phạm quy định pháp luật.
Theo ông Tuyến, thời gian qua có tình trạng “cò đất” lợi dụng Quyết định 33 năm 2014 của UBND TP (cũng quy định về tách thửa đất - PV), việc quản lý không chặt chẽ của một số quận, huyện để đầu cơ đất, phân lô bán nền làm nảy sinh những khu dân cư tự phát mà hạ tầng giao thông, điện, nước… không đảm bảo.
“TP chủ động sửa Quyết định 33 để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tách thửa đất ở được quyền tách thửa, đảm bảo quyền lợi chính đáng về nhà đất mà mình sở hữu. Nguyên tắc chung là cho tách thửa nhưng phải kiểm soát chặt theo đúng quy định pháp luật. Việc cấp phép xây dựng cho thửa đất sau khi tách bắt buộc phải dựa trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đồng bộ và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục hoàn chỉnh nội dung dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 33, trình UBND TP xem xét thông qua để áp dụng trong thời gian sớm nhất.
Về nâng cao vai trò quản lý nhà nước, theo ông Tuyến, tinh thần quyết định mới của UBND TP sẽ giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính về tách thửa trên địa bàn, kiểm tra, xử lý hình sự những trường hợp đầu cơ, trục lợi.
Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm rà soát quy hoạch, quản lý chặt chẽ quy hoạch những khu dân hiện hữu, những khu dân cư còn diện tích đất trống quy mô lớn để kịp thời ngăn chặn những hình thức lợi dụng chính sách để biến tướng tách thửa làm phá vỡ quy hoạch.
Trong vấn đề cấp phép xây dựng đất tách thửa, Sở Xây dựng chỉ cấp phép theo thẩm quyền khi có sự thống nhất ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc…
Đề xuất diện tích đất tối thiểu để tách thửa
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, Sở Tài nguyên Môi trường đã tính toán, đưa ra đề xuất quy định về tách thửa các loại đất trên địa bàn TP.
Theo đó, đối với đất ở, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất diện tích tối thiểu của thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa (sau khi trừ lộ giới) được quy định tùy theo khu vực.
Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú: thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa tối thiểu 36m2 và bề ngang mặt tiền không nhỏ hơn 3m.
Khu vực 2 gồm các quận: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện: thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa tối thiểu 50m2 và bề ngang mặt tiền không nhỏ hơn 4m.
Khu vực 3 gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ: thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa tối thiểu 80m2 và bề ngang mặt tiền không nhỏ hơn 5m.
Đối với đất nông nghiệp, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp được phép tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; và 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho biết Sở đề xuất những nội dung trên để TP tính toán, quyết định điều chỉnh Quyết định 33 trước đây của UBND TP nhằm đáp ứng nhu cầu về tách thửa của người dân, cũng như góp phần giải quyết có hiệu quả những thách thức đang đặt ra về công tác quản lý đô thị.
“Do quyết định mới thay thế Quyết định 33 chưa chính thức ban hành nên Quyết định 33 vẫn còn hiệu lực. Cá nhân, tổ chức nào làm sai so với Quyết định 33 vẫn phải bị xử lý theo quy định”, ông Thắng nói.
|
Theo Thanh Niên