Báo cáo mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong quý III/2017 của CBRE Việt Nam cho biết, 3 tháng qua, thị trường này hoạt động sôi nổi với sự gia nhập của hàng loạt những thương hiệu, nhãn hàng mới.
Tại khu vực trung tâm Sài Gòn, H&M, một thương hiệu thời trang quốc tế đại diện cho nhóm thời trang nhanh (hàng hiệu giá mềm) vừa chạm ngõ trung tâm quận 1, TP.HCM, cũng là lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam. Nhà mốt này khai trương mặt bằng 3.000m2 sàn ở tầng một và tầng lửng của Vincom Center để kinh doanh.
Cũng trong quý này, các tầng trên của trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi tiếp tục chào đón các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius và Massimo Dutti. Tất cả đều chiếm những diện tích đáng kể ở những tầng cao hơn.
Sự gia nhập của hàng loạt các thương hiệu mới cùng với việc bố trí, tân trang đồng loạt tại Vincom Center đã làm giá thuê mặt bằng tại đây tăng 10-15%, chủ yếu là ở tầng trệt và tầng một. Trước đó, Zara cũng kịp chiếm diện tích mặt bằng lớn không kém H&M tại tầng trệt và tầng lửng ở cùng một trung tâm thương mại.
Các thương hiệu thời trang đại chúng đổ bộ vào thị trường TP.HCM với chiến lược chiếm các mặt bằng lớn vị trí đẹp để mở cửa hàng hoành tráng đã đẩy giá thuê mặt bằng bán lẻ leo thang. |
Trong khi đó, tại khu vực rìa trung tâm, cụ thể là địa bàn quận 5, TP.HCM, Thuận Kiều Plaza mở cửa từ tháng 8 (dự kiến khai trương chính thức vào quý IV/2017) cũng nhanh chóng được lấp đầy. Tầng trệt thu hút các thương hiệu ẩm thực (F&B) như: KOI, Gong Cha, Maku, Buffalo Wild Wings, McDonald's...
Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn khảo sát này, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm TP.HCM tăng bình quân 4,8% so với quý trước. Cá biệt một số mặt bằng đắc địa, vị trí tầng trệt và lửng tăng 10-15%. Trong khi đó, giá thuê tại những trung tâm thương mại tổng hợp và các loại hình bá lẻ khác giữ mức ổn định. Những khu mua sắm quy mô nằm ngoài trung tâm, điển hình là khu vực quận 7, TP.HCM giá thuê tăng 2-5% so với quý trước.
Giám đốc Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung xác nhận, các thương hiệu thời trang đại chúng cùng với ngành hàng F&B đã thật sự "thổi lửa" vào thị trường bán lẻ TP.HCM quý III. Đặc biệt là các nhà mốt giá mềm, với nhu cầu thuê mặt bằng ngày càng tăng cao, đã góp phần làm cho giá thuê mặt bằng thương mại leo thang.
Theo bà Dung, với ngành hàng thời trang đại chúng, còn khá nhiều thương hiệu mới xuất hiện hoặc đang ngấp nghé tìm chỗ đứng tại thị trường TP.HCM, đều có nhu cầu tìm mặt bằng quy mô 3.000m2 sàn trở lên và không ngại giá thuê đắt đỏ. Không những thế, họ còn đặt hàng vị trí phải đẹp (trung tâm quận 1), nằm ở mặt tiền đường hoặc các góc phố, hay thuộc tầng trệt các trung tâm thương mại đẳng cấp.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm đáp ứng các yêu cầu này rất khan hiếm. Các mặt bằng lẻ bên ngoài trung tâm thương mại là nhà phố mặt tiền, cũng đều đã bị lấp đầy bởi các thương hiệu cũ. Vì vậy, nếu vẫn giữ nguyên đơn đặt hàng mặt bằng lớn, vị trí chuẩn trung tâm, các hãng thời trang hàng hiệu giá mềm buộc phải xếp hàng chờ 2-3 năm mới có thể gia nhập thị trường TP.HCM.
Thống kê của đơn vị này, trong quý III/2017, thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP.HCM không có nguồn cung mới nào. Nguồn cung tích lũy hiện nay ở mức xấp xỉ 850.000m2 sàn từ 52 dự án (đã trừ các mặt bằng đang trong giai đoạn cải tạo sửa chữa). Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đang ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay nhưng chỉ tương đương với một phần mười Bangkok và bằng một phần mười lăm ở Singapore.
Theo VNE