Thị trường địa ốc khó lường, doanh nghiệp “chùn tay”

Thứ sáu, 04/08/2017, 10:29
Thị trường địa ốc TP.HCM đang chứng kiến sự khó lường của phân khúc căn hộ cao cấp. Sự chững lại về thanh khoản và giao dịch khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc không dám bung hàng. Hầu hết đều nhận định, thị trường đang diễn biến rất khó lường.

Thị trường địa ốc TP.HCM đang diễn biến rất khó lường

Găm hàng, dời kế hoạch

Thay vì những lễ mở bán ấn tượng, những con số giao dịch “khủng”, thị trường địa ốc đang bấn loạn thông tin hàng loạt doanh nghiệp (DN) tái cơ cấu sản phẩm, cắt giảm nhân sự để “cầm hơi” trong bối cảnh ế ẩm. Gần đây nhất, một DN địa ốc đầu ngành công bố đã có hơn 400 nhân viên nghỉ việc và chắc chắn chưa dừng lại nếu tình hình thị trường không được cải thiện. Người đại diện tập đoàn nói rằng không thể ra các dự án mới theo kế hoạch nên hàng loạt nhân sự từ kiến trúc đến thi công và lực lượng sale phải nghỉ việc.

Hàng loạt DN khác cũng công bố dời kế hoạch công bố dự án do không thể đo đếm được thị trường. Ông T. Phó Tổng giám đốc một DN có quỹ đất lớn tại khu Nam Sài Gòn cho biết kế hoạch tung dự án tại quận 8 đã phải dời lại nhiều tháng qua. “Theo kế hoạch chúng tôi sẽ ra mắt dự án trong tháng tới. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói trước được vì đó là thời điểm “tháng cô hồn”. Đó sẽ là thách thức kép đối với thị trường địa ốc trong bối cảnh trầm kha”- ông nói.

Giám đốc một sàn giao dịch khác có cả nghìn quân cho biết cả hệ thống rộng lớn mỗi tuần chỉ phát sinh vài giao dịch. DN của ông đang “bấm bụng” chi trên dưới 20 tỷ đồng mỗi tháng để “nuôi quân” chờ thời. Đó là DN có tiềm lực tài chính tốt. Đối với DN nhỏm đây là thời điểm thử thách rất cam go.

“Ngoài phân khúc đất nền và nhà phố thời gian qua có sự tăng mạnh về giao dịch, thì phân khúc căn hộ chung cư đang có sự chững lại khá rõ. Sau một loạt thông tin thanh tra, rồi đến kiểm toán hàng loạt doanh nghiệp địa ốc cũng đã tác động mạnh đến tâm lý khách hàng. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ tung ra dự án mới vào đầu quý 2.2017, nhưng lo ngại thị trường không hấp thụ được tốt nên đành lùi lại”- Tổng giám đốc Vietcomreal, ông Lê Anh Tuấn nói.

Dời lịch công bố dự án đang là một xu thế phổ biến ở tất cả các DN. Trong nhóm đại gia, không chỉ những cái tên Nova, Hưng Thịnh, Đất Xanh… im ắng. Ngay cả ông lớn Vigroup cũng đã dời thời điểm bung sản phẩm chiến lược VinCity ở khu Đông.

Khó lường

"Thật sự không hiểu thị trường địa ốc TP.HCM đang đi theo hướng nào, quan sát thấy công ty nào cũng ngưng kế hoạch ra hàng mới, hủy cả nhiều chương trình bán hàng. Thậm chí một số doanh nghiệp địa ốc hiện nay có nhiều dự án nhưng vẫn không xây dựng được do phải mất thời gian chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý, cuối cùng nhân viên các bộ phận không có việc làm buộc phải chuyển đổi nơi khác tốt hơn"- Giám đốc kinh doanh một DN địa ốc lớn nói.

Hầu hết các DN địa ốc đang chững lại trong bối cảnh thị trường có thanh khoản không tốt.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc công ty Hưng Thịnh Land cho biết từ đầu năm 2017 đến nay rất khó nắm bắt được nhịp độ thị trường địa ốc ra sao.Bởi một phần nguồn cung ở các phân khúc đang quá cao và cộng với thị trường đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan. Do vậy, không chỉ riêng gì công ty Hưng Thịnh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rất ngập ngừng khi tung ra dự án mới.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản trong năm 2017 mặc dù còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại. "Do vây, theo quan sát nhiều DN địa ốc trên địa bàn đang triển khai nhiều chiến lược khác nhau, trong đó quan trọng nhất là họ biết chấp nhận bỏ công làm lời, tức là chịu hưởng lời ít hơn nhưng sẽ giúp tăng mạnh thanh khoản", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội, cho biết.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong 6 tháng vừa qua, thị trường nhà ở thương mại của thành phố có 32 dự án, với tổng số 16.506 căn (trong đó có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng) hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỷ đồng.

Trong đó, phân khúc cao cấp có 5.164 căn (chiếm 31,3%), phân khúc trung cấp có 5.136 căn (chiếm 31,1%) và phân khúc bình dân có 6.206 căn (chiếm 37,6%). Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%). Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán lại giảm so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, mặc dù phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp lại giảm đến 42,1%, thậm chí có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong nửa đầu năm nay.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn