KDC Phước Kiển: Dân chưa đi vì đền bù không thỏa đáng

Thứ tư, 02/08/2017, 11:08
Cho rằng mức đền bù không thỏa đáng, nhiều hộ dân tại dự án KDC Phước Kiển vẫn chưa chịu di dời để chủ đầu tư giải phóng mặt bằng.

Được chấp thuận địa điểm đầu tư từ đầu năm 2008, dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) có quy mô hơn 91ha, trở thành dự án lớn nhất của công ty Quốc Cường Gia Lai.

Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai dự án vẫn đang loay hoay, bế tắc ở khâu giải phóng mặt bằng khi mới chỉ đền bù giải tỏa được khoảng 92% diện tích. Phần còn lại, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa thỏa thuận được với người dân về mức giá đền bù.

Sự chậm trễ này đã khiến cho Quốc Cường Gia Lai thiệt hại nặng nề, khi số tiền bỏ vào dự án nhưng bị “chôn chân” không thể nào rút ra được, trong khi đó, số tiền lãi ngân hàng thì vẫn phải trả.

Đúng trong thời điểm khó khăn nhất, Quốc Cường Gia Lai đã được đối tác là Công ty Cổ phần đầu tư Sunny Island tạm ứng số tiền 50 triệu USD để tất toán nợ vay cho ngân hàng. Đổi lại, Sunny Island sẽ được Quốc Cường Gia Lai bán đứt (hoặc một phần) dự án Phước Kiển.

Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nếu đến tháng 10/2017, Quốc Cường Gia Lai chưa hoàn tất quá trình giải phóng mặt bằng tại dự án này, sẽ phải đền bù cho Sunny Island số tiền 100 triệu USD.

Dù tự tin là vậy, nhưng trên thực tế, quá trình giải phóng nốt 8% diện tích còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong một vài lần trả lời trên các phương tiện truyền thông, bà Loan đã nhiều lần đề cập đến việc nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, can thiệp để giải phóng mặt bằng bởi công ty đã nhiều lần thỏa thuận với người dân nhưng bất thành.

Nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch của KDC Phước Kiển (huyện Nhà Bè) bức xúc vì cách thỏa thuận đền bù của chủ đầu tư Quốc Cường Gia Lai

Tuy nhiên, nhiều người dân đang sinh sống tại khu vực nói trên lại cho biết một câu chuyện hoàn toàn khác.

Anh Đặng Văn Tiên, (172 ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết: “từ hồi có chủ trương quy hoạch đến giờ, bên công ty mới chỉ có 2 lần xuống làm việc với người dân tụi tui. Một lần là cách đây hơn 2 năm, và một lần cách nay hơn tháng (ngày 22/6/2017 – PV) chứ lấy đâu ra mà nhiều lần”.

Theo anh Tiên, trong lần gặp đầu tiên, mức giá mà chủ đầu tư đưa ra để đền bù cho người dân là 7 triệu/m2 đất thổ cư và 3 triệu/m2 đất nông nghiệp.

Trong lần gặp mới đây nhất, con số này được tăng lên thành 10 triệu/m2 đất thổ cư và 3,5 triệu/ m2 đất nông nghiệp.

Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân tại khu vực này phải sống trong cảnh tạm bợ do đất vướng quy hoạch

“Nhà tui rộng 65m2, đang ở ngon lành. Bây giờ mà nhận tiền đền bù theo giá đó, được 650 triệu thì làm sao mua nhà chỗ khác để ở. Họ tự ra giá 10 triệu, tụi tui không đồng ý chứ có ai đòi gì đâu mà họ bảo là đòi cao đòi thấp”, anh Tiên bức xúc.

Cô Đặng Thị Hồng (127 ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết thêm, mới đây, bên cạnh phương án đền bù, Quốc Cường Gia Lai đã đưa ra thêm 1 phương án hoán đổi đất tái định cư cho người dân lựa chọn.

Đường sá chỉ cần mưa xuống là ngập

Theo đó, với những hộ dân đồng ý, công ty sẽ mua một khu đất ở xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè để làm khu tái định cư mới cho người dân.

“Họ đưa tụi tui đi xem một bãi đất ruộng ở dưới Phước Lộc, rồi bảo nếu dân đồng ý chuyển về đây thì sẽ mua đất, cất nhà mới cho tụi tui”, cô Hồng nói.

Với phương án này, phía công ty cho biết, diện tích nhà được hoán đổi ở khu tái định cư mới sẽ bằng đúng với diện tích nhà mà người dân đang sở hữu ở Phước Kiển.

“Trong gần 90 hộ dân ở đây, có vài hộ đồng ý với phương án đó vì diện tích nhà của họ nhỏ, chỉ 20 – 30 m2. Còn lại tụi tui không đồng ý. Ở trên này, tụi tui đang dùng sổ riêng cho từng nhà. Trong khi đó, công ty nói xuống dưới đó thì phải xài sổ chung do diện tích nhà nhỏ, không đủ quy định để tách thửa. Tụi tui đâu có ngu mà chịu phương án đó”, anh Đặng Văn Tiên cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết, họ cũng chỉ mong chờ chủ đầu tư đưa ra mức đền bù hợp lý là sẽ vui vẻ dọn đi ngay. Bởi trên thực tế, dù nằm giữa lòng TP lớn nhất cả nước, nhưng những người dân nơi đây gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài.

Một khu vực đã được công ty Quốc Cường Gia Lai giải tỏa, chờ triển khai dự án

Được biết, trước khi Quốc Cường Gia Lai được chấp thuận đầu tư, khu vực này đã được TP đưa vào đề án quy hoạch từ những năm 2003. Do là đất quy hoạch, nên những tiện ích tối thiểu phục vụ cuộc sống người dân như điện, nước đều không có.

Để có điện nước sử dụng, hơn chục năm nay, mấy chục hộ dân tại khu vực này đều phải đi câu nhờ của người dân ở khu dân cư phía ngoài. Mức giá điện là 3,5 ngàn/kW. Trong khi đó, nước máy là 20 ngàn/m3, nước giếng là 8 ngàn/m3.

2 khu dân cư này chỉ cách nhau bởi 1 cây cầu nối, nhưng cuộc sống của cư dân ở bên 2 phía cầu lại thực sự trái ngược nhau.

Chỉ cách nhau 1 cây cầu nối, nhưng cuộc sống của 2 khu dân cư lại hoàn toàn trái ngược nhau

“Khu vực này, cứ đến mùa mưa hay triều cường là ngập. Hồi trước, khi còn là đường đất thì việc đi lại rất khó khăn. Sau này, mấy hộ dân tụi tui mới bàn nhau trải đá, đổ bê tông cho dễ đi lại, chính quyền địa phương chẳng hỗ trợ chút nào. Thậm chí, họ còn chẳng cho tụi tui làm. Con đường này toàn là tụi tui làm lén ban đêm không đó”, anh Tiên chỉ vào con đường được láng xi măng trước nhà và cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ dân cho biết, chỉ cần công ty nâng số tiền đền bù lên khoảng 15 triệu/m2 là họ sẽ vui vẻ chấp nhận ra đi. Thế nhưng, đây là một con số mà theo bà Nguyễn Thị Như Loan là “nằm ngoài khả năng của công ty”.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn