Nhiều dự án xây vượt tầng nhưng không có căn cứ pháp lý để phá dỡ

Thứ năm, 03/08/2017, 09:06
Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nhiều, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho rằng nhiều công trình cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.

Tại họp báo quý II của Bộ Xây dựng, nhiều câu hỏi được nêu ra về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại đô thị diễn ra phổ biến. Trong khi đó, các chủ đầu tư chỉ bị xử phạt hành chính, phần sai phạm không bị phá dỡ, cắt bỏ.

Theo ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Luật Xây dựng 2014 đã ban hành theo tinh thần không hành chính hóa công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Việc quản lý hoạt động xây dựng phải có cơ sở một cách minh bạch. Cơ sở ở đây là quy hoạch chi tiết hoặc cơ chế quản lý.

Tuy nhiên, trước đây, một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa phủ kín quy hoạch. Việc cấp phép xây dựng vẫn còn tùy tiện, theo cơ chế xin - cho. Khi chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng thường không có cơ sở đối chiếu để xử lý.

Ông Dung nhấn mạnh khi phát hiện có sai phạm thì phải cương quyết phá dỡ. Tuy nhiên, nếu như vi phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc chung, quy hoạch xây dựng trước đó thì không phá dỡ.

Ngoài ra, việc phá dỡ còn đảm bảo không gây lãng phí đầu tư xã hội.

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cũng cho biết thời gian vừa qua, Nghị định 64 có hiệu lực giúp tình trạng xây dựng trái pháp giảm hẳn. Ngoài ra, cơ chế ngày càng thông thoáng, chúng ta đã miễn giấy phép xây dựng cho 7 nhóm công trình.

Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Bùi Quang Hùng, cho biết mỗi năm cả nước ước chừng có 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau, có cấp phép nhà ở nhỏ lẻ, cũng có cả các dự án lớn.

"Tình trạng vi phạm là có, cụ thể như không phép hoặc sai phép. Tuy nhiên cần phải đánh giá theo quá trình", ông Hùng nói.

Khu đô thị Đại Thanh là một trong những công trình đã từng xây vượt tầng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông, những năm 2010-2011, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý và cấp phép chưa hoàn thiện dẫn đến có xảy ra cơ chế xin cho hoặc sai phạm khó xử lý.

Tuy nhiên hiện nay cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đã có nghị định hướng dẫn cụ thể, việc quản lý xây dựng theo giấy phép đã có các văn bản và đội ngũ thực hiện, việc xử lý cũng có chế tài, phương pháp xử lý.

Nhờ đó, tỷ lệ công trình sai phép đã giảm đi. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra sai phép, không phép, bao gồm cả công trình nhỏ, công trình lớn. Một số vụ việc cụ thể xảy ra trước đây 4-5 năm, hoặc cũng đang tiến hành thi công.

"Quan điểm xử lý của bộ là sai phép, không phép thì phải đình chỉ thi công. Không giấy phép là phải làm các thủ tục để xin phép, có thể cưỡng chế phá dỡ. Sai phép đình chỉ thi công, đối chiếu giấy phép và quy hoạch. Chưa được cấp phép thì phải hoàn thiện đúng quy định", Thứ trưởng Hùng nêu.

Ông nhấn mạnh: “Cần xem lại bản chất việc xây dựng sai phạm vẫn là tài sản. Nếu đang xây tức thời thì phải xử lý. Còn nếu đã xây xong rồi, nếu phù hợp quy hoạch, sẽ thu phần chênh lệch do sai phạm mà có”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích