Chuyển KTX ngàn tỷ thành nhà ở xã hội: Ai hưởng lợi?

Thứ hai, 31/07/2017, 10:21
Việc chuyển KTX Pháp Vân-Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cần phải lưu ý hai vấn đề chính. Đó là minh bạch dự án và công khai đối tượng thụ hưởng.

Không dễ dàng

Bộ Xây dựng vừa chấp thuận cho chuyển đổi ký túc xá (KTX) Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) từ dạng KTX cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo đó, hạng mục tòa A2, A3 được chuyển từ dạng KTX cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Hạng mục tòa A4 chưa được khởi công, có thể xem xét, chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý việc chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục này phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cho phép.

PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng việc này cần phải xem xét, đánh giá một cách thận trọng, chi tiết.

Theo ông Đoàn, ý tưởng xây dựng khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp để phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của sinh viên là một chủ trương đúng đắn, đáng hoan nghênh của nhà nước và các ban ngành.

Tuy nhiên vị chuyên gia đặt câu hỏi về việc tại sao sau 2 hơn năm đi vào hoạt động, khu ký túc xá này luôn luôn vắng vẻ, đìu hiu.

KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp chuyển thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê

“Thực tế là khu KTX có sức chứa rất lớn, có thể đáp ứng được cùng lúc 22.000 sinh viên. Tuy nhiên trong số 3 tòa nhà đưa vào sử dụng thì chỉ có một tòa nhà có sinh viên đến ở, hai tòa còn lại gần như bỏ không. Tại sao lại như vậy?

Theo tôi chủ trương là đúng nhưng vấn đề quy hoạch xây dựng, không gian kiến trúc chưa hợp lý và có vấn đề. Khu vực Pháp Vân không thật sự thuận lợi về phương tiện đi lại, hệ thống giao thông công cộng. Hơn nữa nó lại xa trung tâm, xa các trường đại học nên không thu hút được sinh viên. Dù một bộ phận sinh viên ở quê lên, khó khăn về kinh tế, chỗ ở nhưng những yếu tố không thuận lợi trên khiến các em không mặn mà.

Ngoài ra sinh viên cũng có nhu cầu về ăn uống, đi chợ, các nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên khu KTX trên chưa thật sự đáp ứng được những vấn đề này”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Đối với việc chuyển đổi khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp sang dạng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng sẽ không thật sự dễ dàng và cần phải có sự tính toán cụ thể.

“Nhà ở xã hội đúng là đang có nhu cầu rất lớn từ người dân. Tuy nhiên việc đi lại không thuận tiện thì liệu người dân có thật sự quan tâm đến việ mua nhà ở khu vực này không?

Hơn nữa nhà ở cho sinh viên thuê lại khác. Giờ chuyển sang nhà ở xã hội liệu thiết kế có còn phù hợp hay không? Chúng ta có phải sửa lại cơ sở hạ tầng cho phù hợp hơn không? Việc này cũng phải tính toán.

Ví dụ rõ ràng nhất là ở Bắc Ninh. Hiện nay có những khu nhà đã xây dựng 10 năm nhưng chả ai ở cả do mặt quy hoạch không gian đã xây dựng sai từ đầu”, ông Đoàn nêu dẫn chứng.

Công khai để tránh lợi ích nhóm

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, thời gian vừa qua, chuyển đổi mục đích sang nhà ở xã hội được nhiều chủ dự án coi như lối thoát, giúp thoát khỏi bế tắc về đầu ra khi nhà ở thương mại đang dư thừa nguồn cung cũng như tiếp cận được gói vốn giá rẻ để tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều lùm xùm liên quan đến lợi ích, lợi ích cá nhân được báo chí phanh phui. Thậm chí có những dự án dù chưa được phép chuyển đổi hay chưa đủ thủ tục cần thiết vẫn vượt rào triển khai xây dựng.

Vì vậy đối với khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng cần phải làm rõ 2 vấn đề.

Trước hết là công khai, minh bạch dự án chuyển đổi này để người dân có thể tiếp cận và tham gia.

Thứ hai là công khai các cá nhân thụ hưởng lợi ích, tránh việc những người có nhu cầu thật sự không được tiếp cận dự án. Trong khi những cá nhân, tập thể không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn sở hữu nhiều căn hộ.

“Chúng ta cần giải quyết rành mạch, rõ ràng câu chuyện kinh tế và vấn đề xã hội. Khi chuyển mục đích sử dụng thì ai là người được tham gia vào? Ai là người có quyền quyết định dự án. Chúng ta phải thận trọng và xem xét kỹ lưỡng, khách quan để khi tiến hành giao dịch thì nhà nước không bị thiệt và không có ai tham gia vào đây để trục lợi được”, ông Đoàn nói.

Để tránh những tình trạng tương tự có thể xảy ra, gây bức xúc dư luận, vị chuyên gia đề nghị các quy định luật pháp và chính sách cần phải cụ thể, chặt chẽ hơn nữa.

“Luật của chúng ta nhiều khi chưa hoàn thiện nên để các đối tượng lợi dụng trục lợi cho bản thân. Khi xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chúng ta sẽ hạn chế tối đa được vấn đề lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân”, ông Đoàn khẳng định thêm.

Giá bất động sản không cao

Chia sẻ thêm với Đất Việt, anh Trần Tuấn Anh (chuyên viên tư vấn bất động sản khu vực Hoàng Mai, Hà Nội) nhận định giá bất động sản tại Pháp Vân – Tứ Hiệp được xếp vào dạng khá thấp.

So với các vị trí khác, khu vực này giao thông, nhất là phương tiện công cộng chưa thật sự thuận lợi. Hơn nữa để đi vào khu trung tâm thành phố cũng cách khá xa. Tình trạng tắc đường cũng thường xuyên xảy ra. Do đó người dân không thật sự quan tâm đến các khu nhà được xây dựng tại đây.

“Giá bất động sản nơi đây khá thấp. Chỉ dừng ở mức 12 triệu đồng/m2. Những khu đẹp hơn 1 chút giá có thể lên tới 15 triệu đồng/m2. Mức giá trên 20 triệu đồng/m2 rất hiếm khu đạt được”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn