“Đất công, chính quyền phải cưỡng chế” (?)
Liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM), mới đây, PV đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Theo bà Loan, nhiều diện tích đất chưa giải tỏa được tại dự án Phước Kiển thuộc danh mục đất bờ đê, đất công nhưng do huyện Nhà Bè kiểm soát quá lỏng lẻo nên để cho người dân vào san đất, cất nhà.
“Khi Quốc Cường Gia Lai được phê duyệt đầu tư, khu này chỉ có khoảng 30 căn nhà, nhưng nay đã hơn 100 căn. Hàng tháng, công ty đã bỏ ra 10 triệu để thuê nhiều người dân dưới đó canh xem ai cất nhà trái phép thì báo để chúng tôi nhờ chính quyền can thiệp. Nhưng họ cứ lựa lúc nửa đêm thì cất nhà, đến khi có người xuống kiểm tra thì sự đã rồi”, bà Loan nói.
Theo bà Loan, do khu vực đất bờ đê này là đường giao thông, là sở hữu của Nhà nước nên chính quyền địa phương phải có trách nhiệm thu hồi theo Nghị định 01 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và có hiệu lực từ tháng 1/2017.
“Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản, yêu cầu huyện Nhà Bè phải thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất, nhưng lãnh đạo huyện đã cố tình lẩn tránh không trả lời. Sắp tới đây, nếu huyện không có câu trả lời thỏa đáng thì chúng tôi sẽ nhờ luật sư tư vấn để khởi kiện chính quyền”, bà Loan bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai trao đổi với PV. |
Theo bà Loan, hiện nay đối tác Công ty Cổ phần đầu tư Sunny Island đã cùng với Quốc Cường Gia Lai thực hiện việc đền bù giải tỏa tại dự án Phước Kiển. Thế nhưng, việc thỏa thuận với người dân vẫn đang đi vào ngõ cụt do mức giá đòi hỏi quá cao.
“Tiền thì người mua (đối tác Sunny Island – PV) họ trả chứ không phải mình, thế tại sao mình không đi trả cho xong để lấy tiền của mình. Nhưng dân đòi 20 – 30 triệu/m2 đất thì làm sao đền bù”, bà Loan nói.
Về mức giá đền bù 10 triệu đồng/m2 đất thổ cư mà người dân phản ánh, bà Loan nói rằng, người dân đang hiểu sai ý của công ty.
Theo bà Loan, mức giá đền bù 10 triệu/m2 là áp dụng cho những hộ dân có nhà từ 30 – 50m2 hoặc có đất từ 100m2 trở lại bất kể hộ dân đó có giấy tờ hay không. “Đó là nhân đạo, để cho người dân có đủ tiền chuyển đến nơi ở mới”, bà Loan cho biết.
Tuy nhiên, với những người có diện tích đất lớn, công ty sẽ không áp dụng mức giá nói trên.
Cụ thể, với những người có diện tích đất lớn hơn 100m2, công ty chỉ đền bù phần diện tích nhà ở theo giá 10 triệu đồng/m2. Phần còn lại sẽ đến bù theo giá đất nông nghiệp hoặc đất ở.
“Ví dụ, nhà bà có 800m2 đất, diện tích nhà 200m2 thì công ty sẽ đền 200m2 nhà ở với giá 10 triệu/m2, phần còn lại sẽ đền bù với giá đất ở là 5 triệu và đất nông nghiệp là 3 triệu”, bà Loan cho biết.
Nhiều khu vực đã được giải tỏa tại dự án Phước Kiển chưa được triển khai, cỏ mọc um tùm |
Theo bà Loan, về mặt pháp lý, công ty không có trách nhiệm phải đền bù cho những hộ dân nói trên vì đây là đất lấn chiếm. Huyện không quản lý được, thì họ phải có trách nhiệm giải tỏa. Thế nhưng, vì nhân đạo, công ty vẫn chấp nhận bỏ tiền ra đền bù.
Về phương án tái định cư, bà Loan cho biết, công ty đang xin chủ trương cho phép xây dựng khu dân cư mới tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè để di dời những người dân chấp nhận phương án này.
Theo đó, nhiều hộ có nhà từ 30 – 50m2 đồng ý với phương án này của Quốc Cường Gia Lai, nhưng một số hộ có diện tích đất lớn thì không đồng ý.
Theo bà Loan, đối với những hộ dân có diện tích nhà nhỏ, khi thực hiện hoán đổi, tái định cư phải chấp nhận chuyện sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu chung do không đủ diện tích để tách thửa.
Với những người có diện tích nhà lớn, Quốc Cường Gia Lai sẽ đền bù lại ngôi nhà bằng với diện tích ngôi nhà cũ. Phần đất còn lại sẽ được đền bù theo giá đất ở hoặc đất nông nghiệp như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi, liệu với phương án nói trên, nếu người dân và chính quyền không đồng ý với việc đứng chung sổ thì sẽ ra sao, bà Loan cho rằng, không chấp nhận cũng phải chấp nhận, bởi huyện quản lý lỏng lẻo mới tạo ra khu ổ chuột này, nếu không cưỡng chế, Quốc Cường Gia Lai sẽ kiện lên Chính phủ.
Được biết, theo thỏa thuận, từ nay tới tháng 10/2017, nếu không giải phóng xong mặt bằng, Quốc Cường Gia Lai sẽ phải trả cho đối tác Sunny Island 100 triêu USD. Trong trường hợp không có tiền trả, công ty phải dùng chính dự án Phước Kiển để gán nợ.
Chính quyền chỉ đứng vai trò trung gian
Trao đổi với PV, ông Bùi Hòa An, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè khẳng định, theo quy định của pháp luật, đối với dự án dân cư xây dựng mới, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận đền bù với người dân, chính quyền địa phương chỉ giữ vai trò trung gian, kết nối giữa 2 bên, không có chuyện chính quyền đứng ra thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất.
Theo ông An, hiện nay, Quốc Cường Gia Lai mới chỉ giải phóng được 92% diện tích toàn dự án, phần còn lại vẫn chưa thể thỏa thuận được do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung.
“Hiện nay, trong khu vực đất dự án vẫn còn khoảng 100 hộ dân đang ở, về mặt pháp lý thì những hộ dân này không hoàn thiện nên cũng không đảm bảo được cuộc sống. Mong muốn của Nhà Bè, là hình thành những khu đô thị mới, đảm bảo sự phát triển chung của huyện cũng như TP. Nhưng quyền lợi của người dân trong khu vực này cũng phải được đảm bảo”, ông Hòa nói.
Về chủ trương, huyện cũng đã nghĩ đến phương án tái định cư ngay tại chỗ. Thế nhưng, với điều kiện của những hộ dân này, chắc chắn sẽ không đủ kinh tế để thực hiện.
Nhiều ngôi nhà nằm trong dự án Phước Kiển được xây dựng tạm bợ do nhiều năm nằm trong khu quy hoạch. |
“Mới đây, Quốc Cường Gia Lai có đề nghị triển khai dự án tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè làm khu tái định cư mới cho các hộ dân ở Phước Kiển. Chúng tôi ủng hộ phương án này của công ty”, ông An cho biết.
Tuy nhiên, đến nay, hiện Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể mà mới chỉ có một văn bản đề nghị huyện Nhà Bè ủng hộ chủ trương này.
Theo ông An, thẩm quyền để cho phép thực hiện dự án hay không là của UBND TP chứ không phải của huyện Nhà Bè vì nó còn liên quan đến kế hoạch sử dụng đất. Huyện Nhà Bè sẽ chỉ hướng dẫn Quốc Cường Gia Lai trong việc giải phóng mặt bằng và thực hiện quy hoạch 1/500.
Cũng theo ông An, khi thực hiện phương án tái định cư, chủ đầu tư phải tuân thủ theo Quyết định 33 của UBND TP.HCM, không thể có chuyện đồng sở hữu hay sở hữu chung vì như thế sẽ phá nát quy hoạch đô thị của TP cũng nhu huyện Nhà Bè.
“Về việc có sự chênh lệch giữa diện tích nhà cũ và diện tích mới, 2 bên sẽ phải tự thương lượng lại với nhau trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nếu có thể, Quốc Cường Gia Lai có thể hỗ trợ trả góp cho người dân. Đây chính là phương án khả dĩ nhất giữa đôi bên”, ông An nói.
Như vậy, có thể thấy, trong chuyện đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Phước Kiển, đã xuất hiện tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Dự án đã kéo dài gần 10 năm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong dự án cũng như lợi ích của doanh nghiệp.
Nếu tiếp tục cảnh chẳng ai chịu nhường ai như hiện tại, chẳng biết đến bao giờ, một dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của huyện Nhà Bè, kết nối nhiều khu vực như quận 8, Long An… sẽ được thực hiện.
Đây cũng trở thành một “án điểm”, tiêu biểu cho tình trạng chồng chéo giữa các quy định, khiến doanh nghiệp nhiều khi có tiền, muốn làm dự án cũng đành bó tay chịu trói.
Theo Đất Việt