Có nên xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn?

Thứ ba, 14/11/2017, 14:34
Đại lộ ven sông Sài Gòn, nếu được đưa vào quy hoạch và có lộ trình triển khai, thực hiện phù hợp thì sẽ tăng thêm tuyến đường song song với quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), kết nối bằng tỉnh lộ 8 và các đường ngang khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực phía Tây Bắc TP.HCM.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khi đại lộ này được đưa vào hoạt động, sẽ giúp lan tỏa và kết nối sang các huyện Thuận An, Bến Cát (Bình Dương), Đức Hòa (Long An) và Trảng Bàng (Tây Ninh).

Các chuyên gia cho biết, khi đại lộ ven sông Sài Gòn được kích hoạt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho TP.HCM và kết nối kinh tế các vùng lân cận

Trong báo cáo tình hình bất động sản TP.HCM giai đoạn 2011-2017 và các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất UBND TP nghiên cứu lại ý tưởng của các nhà quy hoạch trước đây về định hướng phát triển đô thị chủ đạo của TP.HCM về khu vực có địa hình cao, hướng Tây Bắc của TP.

Qua đó, HoREA tán thành ý tưởng về Đại lộ ven sông Sài Gòn từ Bến Súc (huyện Củ Chi) qua huyện Hóc Môn, các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh về quận 1.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định, có ý kiến quan ngại cho rằng không nên làm đại lộ này vì đây là trục đường hướng tâm sẽ làm tăng nạn ùn tắc giao thông, nhưng thực ra khái niệm đại lộ chỉ là đường đô thị.

Tại TP.HCM, ngoài các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, còn có những tuyến đường trục hướng tâm đã được xây dựng và đang phát huy hiệu quả giao thông như đại lộ Đông - Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt), trục đường Bắc - Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ), trục quốc lộ 22 nối với đường Trường Chinh - Cộng Hòa - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Theo ông Châu, thời gian qua, thành phố đã phát triển rất mạnh về hướng biển, hướng Nam - Tây Nam - Đông Nam, nên vô hình trung đã tác động đến hướng thoát nước tự nhiên.

TP.HCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam – Tây Nam - Đông Nam thuộc các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, quận 2, một phần quận 9. Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc thuộc các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần quận Thủ Đức, quận 9.

Để thành phố phát triển bền vững, HoREA đề nghị điều chỉnh bổ sung hướng quy hoạch phát triển đô thị về vùng đất cao của TP. Đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi), mà TP đã có quy hoạch phát triển Khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000 ha.

“Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam; hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo tính toán, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì thành phố Hồ Chí Minh cũng ngập rất nhiều khu vực.

Trong tình hình hiện nay, việc điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này còn nhằm để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp”, ông Châu phân tích.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn